Giữ gìn gốm Việt để giữ hồn thời đại

30-06-2018

Đi qua mỗi thời đại, các nền văn hóa được giữ lại và được thể hiện qua những kỳ thư, những hoa văn, nét vẽ mà người sau tìm lại được. Có lẽ tính chất vật liệu bền vững đã làm cho gốm trở thành một đại diện truyền tải văn hóa như thế, vì vậy, gốm mang hơi thở của thời đại. Theo các tài liệu cổ, gốm đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng một vạn năm trước đây. Nghề làm gốm của người Việt phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ nhất từ thời Lý Trần, và sự hưng thịnh của nghề nghiệp này còn trải qua bao thời đại.

Những ngày vừa qua, cũng bởi do duyên kết nối, chúng tôi có dịp về thăm lò gốm Thi Nguyên ở Chí Linh, Hải Dương, mang hy vọng sẽ là những ngày được tiếp nhận một điều gì đó thực sự đẹp đẽ, bởi tôi cũng xác định rằng, đó là sự đẹp đẽ trong vất vả và tình yêu, mồ hôi, giọt nước mắt và ngọn lửa đam mê. Và những gì chúng tôi nhận được là ngoài mong đợi.

Chụp hình lưu niệm cùng gia đình Gốm Thi Nguyên

Gốm Việt phát triển khắp cả nước, miền nào cũng có làng nghề truyền thống, Bát Tràng ở Hà Nội, Thổ Hà, Phù Lãng ở Bắc Ninh, Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Quế Quyển ở Hà Nam, Chum Thanh ở Thanh Hóa,… mỗi vùng đều có kỹ nghệ riêng biệt tạo nên sự đa dạng và phong phú của gốm Việt Nam. Tuy nhiên giờ đây, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các vật liệu thay thế với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn và giá thành thấp hơn như sứ, thủy tinh, kim loại, đặc biệt là nhựa khiến cho nhiều làng nghề làm gốm rơi vào cảnh khó khăn và suy tàn. Có biết bao người cả đời gắn bó với đất, men, với lửa nhưng rồi cuối cùng ngậm ngùi chỉ giữ lại được chiếc bàn xoay để làm kỷ vật. Lò gốm Thi Nguyên mới được dựng lên khoảng từ 6 năm trước bởi lòng yêu gốm của chị Mai Anh - một bác sỹ và chú Vũ Năng Thi - một giảng viên. Tình yêu với gốm là tình yêu lớn vượt lên trên những gì họ đã đánh đổi, đi theo đó là một trăn trở rất lớn – Gốm Việt sẽ đi về đâu?

Cuộc trò chuyện về gốm giữa nghệ nhân Vũ Năng Thi, chị Mai Anh và những vị khách 

Theo chị Mai Anh, mỗi sản phẩm gốm ra đời đều mang một trường khí bởi mỗi giai đoạn hình thành của gốm đều được truyền thêm vào một trường năng lượng. Đất được lựa chọn để làm gốm có mức năng lượng lớn hơn đất để trồng cây. Trong quá trình được trộn, được nhào nặn để làm nên hình hài, chúng lại được đưa thêm vào một mức năng lượng nữa, rồi khi con người vuốt ve, tạo tác, vẽ hình lên nó thì lại đưa vào một mức năng lượng. Khi một sản phẩm hoàn thiện ra đời, chúng được con người sử dụng, được yêu quý, thì vòng năng lượng lại mở rộng hơn. Đặc biệt, những sản phẩm được sử dụng để thờ hay để trấn, là những sản phẩm có mức năng lượng lớn hơn cả. Việc đưa năng lượng qua nhiều quá trình vào một đồ vật như thế đã làm cho đồ vật đó mang trường khí. “Thổi hồn vào gốm” không chỉ là lời nói hoa lệ mà đó chính là điều diễn tả đúng nhất cách mà các nghệ nhân làm nên một sản phẩm gốm.

Thi Nguyên là lò gốm duy nhất ở Việt Nam sử dụng củi để đốt lò, sự hiếm hoi này đi kèm với sự vất vả mà không phải ai cũng dễ dàng theo được. Theo chị Mai Anh, việc dùng củi để đốt lò như thế sẽ tạo ra các sản phẩm luôn là độc nhất và không bao giờ có thể làm được cái thứ hai như thế. Bởi trong quá trình đốt, người nghệ nhân cần biết điều nhiệt độ, không những thế mà còn cần điều lửa, để cho các lưỡi lửa đi chính vào đầu, cuối hay giữa lò tại từng thời điểm. Mỗi loại củi đốt lại cho ra những màu sắc của men khác nhau vì khi đốt chúng có nhiệt độ khác nhau và những lớp bụi hoa từ củi bắn ra cũng là yếu tố quan trọng để những điểm nhấn trên lớp men cũng theo đó mà hình thành. Chúng tôi phải đến tận nơi, tham gia cùng vào các công việc tại lò thì mới thực sự biết được để cho ra lò một lứa gốm phải kỳ công và khó nhọc như nào.

Có lẽ ít nghệ nhân nào có cách chọn đất làm gốm như chú Thi. Chú nói, với gốm của chú, nó phải mang hồn của đất, và của đất nước. Mọi nguyên liệu để làm ra gốm đều được mọi người trong gia đình lựa chọn rất kỹ càng để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất, song nó cũng không ở nơi nào xa xôi. Đất chú dùng được chọn lọc ngay từ trong vườn của chú, trong mảnh ruộng của người trong làng, có khi là chú đi tìm, có khi là người ta thấy đất đẹp mà gọi tới chú. Rằng, sản phẩm mình làm ra, là lấy từ hồn của quê hương.

Gốm Thi Nguyên không chỉ độc đáo ở nguyên liệu, tạo hình mà còn độc nhất ở lớp men tráng bên ngoài, chú Vũ Năng Thi quan niệm, bất kỳ thứ gì chảy được trên trên gốm thì đều là men, đó cũng là một suy nghĩ dẫn đến muôn vàn phép thử, và là những phép thử không ngờ. Có những thứ dường như người ta không thể nghĩ tới được, thì đó lại là thứ mà chú dùng để phủ lên gốm của mình. Những ngày hè nóng rực lửa này là mùa của muôn loài hoa, trên con ngõ nhỏ đưa chúng tôi vào nhà, rụng đầy những hoa nhãn, khi hoa rụng xuống tưởng chừng là rác, nhưng chính từ những thứ tưởng bỏ đi thế, gia đình chị Mai Anh đã thử nghiệm để cho ra những lớp men tuyệt vời. Men là lớp phủ chảy bên ngoài gốm, men còn là lớp toát ra từ chính sản phẩm gốm đó. Chú Thi cho chúng tôi xem một sản phẩm mà chú cực kỳ tâm đắc, một chiếc bình sen, bên ngoài là một “lớp mồ hôi” màu đỏ chính là do bột sắt trộn trong nguyên liệu chảy ra mà thành, nếu không được chú giải thích như thế, có lẽ khó ai lại biết được lớp “men” ấy hình thành như thế nào. Được trực tiếp quan sát và cùng tham gia vào công việc của lò gốm, chúng tôi mới biết có những điều thực sự kỳ diệu như vậy.

Chú Vũ Năng Thi nói về lớp men mới trên bình hoa sen

Thường khi nói tới đồ gốm, ta sẽ nghĩ ngay tới những đồ được sử dụng để trang trí như bình hoa, tranh, chứ tuyệt nhiên người Việt mình ít sử dụng đồ dùng sinh hoạt bằng gốm như sứ hay thủy tinh, thậm chí khi nghĩ đến đồ gốm, dân mình còn nghĩ ngay rằng đó là thứ đồ xa xỉ, đó cũng là cái khó cho sự phát triển của đồ gốm cho dòng sản phẩm sinh hoạt, và là cái khó cho những lò gốm ở Việt Nam. Đây cũng là nỗi niềm đau đáu của gia đình chú Thi và chị Mai Anh. Chú Vũ Năng Thi khẳng định, Thi Nguyên là lò gốm duy nhất ở Việt Nam hiện nay làm ra những vật phẩm dùng trong gia đình hàng ngày. Từ đất, nước, lửa, đôi bàn tay tài hoa đã làm nên những sản phẩm như thế.

"Ta muốn làm ra những cái chum, vại, vò, chóe, ang, âu, bát, chén nho nhỏ thôi để bán cho khách du lịch, đặc biệt là khách phương Tây làm lưu niệm, để họ biết được người Việt mình dùng cái bát ăn cơm như thế nào, cái chum để ủ cá như thế nào… Tại sao những thứ đẹp như thế lại chỉ người phương Tây được sử dụng, sao mình làm ra mà người mình lại không được dùng?" Đây là câu hỏi mà chúng tôi được nghe chú Thi nhắc tới nhiều lần trong chuyến về Thi Nguyên này. Một câu hỏi mà để trả lời được thật không dễ dàng.

Chân dung nghệ nhân cùng "đứa con" của mình

Ninh Giang