Kinh Dịch là sản phẩm sáng tạo của người Việt?

18-06-2018

Đầu thế kỷ XXI, vấn đề nguồn gốc kinh Dịch do ai sáng tạo vẫn đang được dò dẫm và đưa ra tranh luận.

Vừa qua, tại Không Gian Văn Hóa Đông Tây, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Kinh Dịch với Người Việt” do Trung Tâm Văn Hóa Minh Triết và Trung Tâm Lý Học Phương Đông cùng kết hợp tổ chức. Buổi tọa đàm phần lớn xoay quanh nội dung tìm về nguồn gốc của Kinh Dịch và những vấn đề liên quan mật thiết, với các nội dung chính: Xác định một cách khoa học, học thuyết nguồn gốc của Kinh Dịch; Phân tích những sai lầm, bất cập của Chu Dịch; Xác định tính chân lý trong nội hàm của Việt Dịch; Trên cơ sở đó đưa ra phương án phục dựng cuốn Dịch của tổ tiên Lạc Việt.

Để làm rõ cơ sở cho những nội dung trên, tọa đàm có nhiều sự đóng góp tham luận của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Vũ Tuấn Anh với tham luận: Cội nguồn Kinh Dịch và các vấn đề của tương lai, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy với các tham luận “Viết lại lịch sử hình thành Kinh Dịch” và “Người Lạc Việt là chủ nhân của Kinh Dịch”, nhà nghiên cứu Lục Văn Nguyễn với “Đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ”,… ngoài ra còn có bài của tiến sỹ Hà Hưng Quốc hiện đang sống tại Hoa Kỳ cũng được đưa ra trình bày và thảo luận, đó là “Để làm sáng tỏ một sự thật đã bị khuất lấp theo thời gian: Dịch là Việt & dịch là của Việt”.

Để khẳng định nguồn gốc Kinh Dịch là của người Việt sáng tạo, các nhà nghiên cứu đã có những luận điểm được phân tích dựa trên các phát hiện thực tế như tác giả Nguyễn Thiếu Dũng phát hiện ra “Chiếc gậy thần – dạng nguyên thủy của hào âm hào dương” trên trống đồng Lạc Việt, Trần Quang Bình dựa vào công cụ điện toán, phát hiện ra trong 40.320 đồ hình bát quái lý thuyết, bát quái Văn Vương chỉ là 1 trong 24 đồ hình đạt tới 6 chiều đối xứng, chỉ duy nhất một đồ hình đáp ứng được cả 8 chiều đối xứng, được gọi là Bát quái chuẩn. Theo thực nghiệm và giải mã, ông phát hiện ra Bát quái chuẩn trên trống Lạc Việt, Nòng và Nọc là hai ký hiệu nguyên thủy của Hào Âm, Hào Dương của Dịch lạc Việt…nên khẳng định người Âu Lạc là chủ nhân của Kinh Dịch, còn người Trung Hoa nhận được vật cống Hà Đồ của người  Việt, nhưng chưa được người Việt dạy cho Bát quái chuẩn nên đã dùng Bát quái sai lạc của Văn Vương.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhận ra sự không hoàn chỉnh của “Hậu thiên Bát quái Văn Vương phối Lạc Thư” và xác định rằng: “Hậu thiên Bát quái Lạc Việt phối Hà Đồ” mới là đồ hình mô tả nguyên lý của thuyết Âm Dương ngũ hành. Tác giả còn cắt nghĩa ngũ hành mà trước giờ nhiều người vẫn hiểu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ứng với Kim loại, Cây, Nước, Lửa và Đất là hoàn toàn không đúng. Từ đó xác định rằng: Người Lạc Việt mới đích thực là chủ nhân của Kinh Dịch và Thuyết Âm Dương Ngũ Hành.

Mỗi nhận định của từng tác giả đều có những bằng chứng là các công trình nghiên cứu kèm theo, mà để tìm hiểu thêm thì bạn đọc quan tâm sẽ cần phải đi sâu hơn nữa vào các vấn đề này. Tuy nhiên, Kinh Dịch có phải là sản phẩm sáng tạo của người Việt hay không, mọi thứ còn chưa ngã ngũ. Song đây cũng là một ngã rẽ quan trọng cho những ai muốn tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc.

Trao đổi ngoài thời gian báo cáo tham luận

Tham khảo thêm các tham luận tại: Kinh Dịch với người Việt