SÁNDOR MÁRAI - Một thân phận văn chương nhiều thử thách

20-09-2018

Sándor Márai - một tiểu thuyết gia Hungary giàu di sản, bậc thầy thể loại đoản văn, được “tái khám phá” và “tái khẳng định” như là một trong những nhà văn lớn nhất châu Âu thế kỉ XX, sinh thời có một số phận đầy thử thách kể cả trong văn chương lẫn đời sống.

Vì những mâu thuẫn chính trị, Márai đã cấm xuất bản sách của mình tại Hungary kể từ khi định cư tại Mĩ. Ông sống 41 năm biệt xứ nhưng vẫn không ngừng hồi cố về quê hương , viết rất nhiều tản văn, thơ và tiểu thuyết (một trăm đầu sách gồm đủ các thể loại). Khi 88 tuổi, vợ và con nuôi mất, để lại ông một mình sống trong tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Trong lá thư cuối cùng gửi vợ chồng một người bạn, ông viết: “...thật đáng hổ thẹn, nhưng tôi không thể tiếp tục được. Sức lực tôi đã tàn kiệt, cứ thế này không mấy nữa, chắc tôi sẽ phải trông cậy vào sự chăm sóc của bệnh viện, mà tôi luôn cố tránh điều đó. Cám ơn tình bạn của hai người. Hãy săn sóc nhau chu đáo nhé...”. Chiều ngày 21/2/1989, tại San Diego, ông đã dùng súng ngắn tự sát, thọ 89 tuổi, chỉ vài tháng trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Hai hôm sau, tro cốt ông được rắc xuống Thái Bình Dương. Marai, giống như rất nhiều nhà văn Hungary thời bấy giờ, đã tìm đến cái chết bi thảm, nhưng những trang văn giàu minh triết ông để lại cho hậu thế vẫn sẽ mãi được lần giở, được ngẫm ngợi và tụng ca.

“Bắt đầu anh muốn viết những điều to tát. Sau đó muốn viết hay. Sau đó nữa là viết một cái gì đó vĩ đại, đạo đức, cân đối. Rồi đến thời kỳ đình công và đến lúc anh chỉ muốn viết sự thật. Anh sẽ nhận ra rằng sự thật vừa to lớn, vừa đẹp, vừa vĩ đại, đạo đức và cân đối.”

― Sándor Márai

Những ngọn nến cháy tàn luôn được coi là món quà muộn mằn gửi đến thế kỉ XX - thế kỉ của rất nhiều những người hùng văn chương và những dấu ấn lớn. Tác phẩm gần như bị rơi vào lãng quên cho đến khi Carol Brown Janeway dịch sang tiếng Anh với tiêu đề Embers từ một bản sách tiếng Đức. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính: Henrik, Konrad và Kristina, kể về một cuộc gặp gỡ đặc biệt của hai người bạn sau 41 năm xa cách. Dù Kristina, vợ của Henrik và người tình của Konrad đã qua đời từ nhiều năm về trước, nàng vẫn sống trong nỗi ám ảnh của cả hai người. Giống như Đi tìm thời gian đã mất của Proust, Những ngọn nến cháy tàn là một cuộc hồi cố quá khứ, nhưng quá trình truy dấu quá khứ này vẫn có những điểm khác biệt. Tiểu thuyết của Márai “đùa chơi” trên những nghịch lí và mâu thuẫn của tình bạn và tình yêu, mối quan hệ của ba người ánh xạ được nhiều trớ trêu của đời sống. Đâu là “sự thật”, tình bạn thuần khiết trong quá khứ hay tình bạn đã nhiều đứt gãy trong hiện tại? Điều gì sẽ “còn lại” và làm nên “ý nghĩa”, tình yêu của Henrik dành cho vợ mình hay tình yêu của nàng dành cho Konrad? Trong khi tiểu thuyết của Proust là hành trình phục dựng quá khứ, tiểu thuyết của Márai là cuộc truy dấu quá khứ qua lăng kính của hiện tại, ngõ hầu kiếm tìm một lối thoát (có chăng tồn tại) của những số phận con người dù, những gì còn lại chỉ là những tro tàn, những xác nến đã nguội của tình bạn và tình yêu…

Đây là một cuốn sách cần đọc, và hơn hết, là đọc lại… “phải đọc lại cả câu, danh từ, tính từ nhằm xác định một điều gì đó vĩnh viễn trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Muốn được hiểu đúng. Điều đó diễn ra từ từ, chậm rãi và phức tạp gần như trong cuộc đời. Các cặp vợ chồng có khi mất hàng chục năm để người nọ làm người kia hiểu rõ mình. Sách vở cũng là những người thân quen khó nắm bắt như thế” (Sándor Márai). Cuốn sách sẽ nói với chúng ta, trực tiếp, trực diện, về một điều gì đó sâu kín, nó sẽ trao cho chúng ta những bí mật khi chúng ta, đến lượt mình, cũng trao hết mình cho nó...

Em Ngoan

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhân dịp tái bản Những ngọn nến cháy tàn và sự có mặt của các nhà văn Hungary, dịch giả Giáp Văn Chung (người dịch Những ngọn nến cháy tàn), talkshow SÁNDOR MÁRAI - MỘT SỐ PHẬN VĂN CHƯƠNG NHIỀU THỬ THÁCH được tổ chức như là một lời tri ân tới Sandor Marai - nhà văn Hungary nhưng gần gũi với người Việt qua rất nhiều tác phẩm đã được chuyển ngữ và như là một dịp để độc giả có thể giao lưu với các diễn giả, chuyên gia về một trong những văn hào lớn của thế kỉ XX này.

Thông tin chương trình:

Thời gian: 14h30, 29/09/2018

Địa điểm: Không gian văn hóa Đông Tây, 99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

Diễn giả:  Dịch giả Giáp Văn Chung

                 Nhà văn Hungagy János Lackfi

                 Nhà phê bình văn học Trương Đăng Dung

                 Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

(Vào cửa miễn phí, thảo luận tự do)