Thuật tiên tri của thầy cúng - một lối đi vào thế giới Bru - Vân Kiều

07-12-2018

(Trích Chương 11, Bất chấp định mệnh, tác giả: giáo sư dân tộc học Hungary Vargyas Gábor)

Bru là một trong 60 tộc người sinh sống trong miền núi trên lãnh thổ Việt Nam. Thuật tiên tri - như một hình thức liên lạc và giữ mối quan hệ với thế giới siêu nhiên - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa và đời sống tín ngưỡng của người Bru.

Khác với những tộc người khác, ở người Bru, trọng tâm của các buổi lễ này không phải là tiên đoán để biết được tương lai, hay để biết trước chuyện gì sẽ có thể xảy ra với con người, cũng không phải là để tìm ra câu trả lời, hoặc đưa ra quyết định trước một sự kiện quan trọng (mặc dù người Bru cũng có những thuật tiên tri như vậy), mà để họ có thể biết được những mong muốn của thế giới thần linh và qua đó họ sẽ biết phương tiện để giao tiếp giữa hai thế giới là gì và cần phải hành xử như thế nào.

Kể cả lễ nghi đơn giản nhất, hay những lễ hiến tế nhỏ nhất - trong văn hóa Bru không có lễ cúng nào có thể thiếu phần hiến tế - cũng không thể thiếu phần tiên tri bằng quẻ tre (asĩauq). Những câu hỏi và mong cầu (ví dụ: vụ mùa này có tốt không, hãy cho chúng tôi được mùa; người ốm có khỏi bệnh được không; bệnh dịch sắp hết chưa; hãy để những vận hạn mau qua đi,…) được đặt ra trong phần khấn sẽ được thần linh trả lời qua những quẻ tre này. Vậy thực sự, quẻ tre này có hình thù như thế nào? Một ống tre dài khoảng 7-10cm được chẻ làm đôi theo chiều dọc, như vậy, mỗi nửa sẽ có hai mặt: một lồi một lõm. Trong quá trình làm lễ, họ sẽ gieo các quẻ tre xuống đất. Khi rơi xuống đất, nếu hai quẻ nằm ở tư thế “ngửa và sấp”, tức đối ngược nhau, một mặt lõm, một mặt lồi, câu trả lời sẽ là tốt (possitive). Nếu cả hai đều nằm trong tư thế sấp hoặc cả hai đều là ngửa câu trả lời sẽ là xấu (negative). Có nghĩa là ta chỉ có thể nhận được câu trả lời tốt khi hai nửa quẻ tre nằm trong tư thế đối nghịch, phần lồi và lõm sẽ bổ sung cho nhau.

Nghe thì có vẻ hết sức kì lạ, nhưng người Bru sẽ tung các quẻ tre cho đến khi họ đạt được câu trả lời như ý. Ngay sau khi nhận được câu trả lời như ý nguyện, họ sẽ chắp tay lạy và nói lớn “ko-koh” như là cảm ơn vì các thần linh đã đồng ý. Sau đó, họ tiếp tục đưa ra câu hỏi tiếp theo, rồi lại gieo các quẻ tre xuống đất. Buổi lễ được tiến hành như vậy cho đến khi kết thúc. Và đây có thể coi là một phương pháp “cưỡng ép” các thần linh phải cho họ những câu trả lời theo mong muốn của họ chứ không phải là “tiên tri” theo đúng nghĩa của từ này. Bất kì ai cũng có thể thực hiện thuật tiên tri này chứ không cần đến thầy cúng.

Nguồn gốc xuất xứ của các quẻ tre này có thể được lần dấu từ một câu chuyện huyền thoại: chuyện kể rằng sau trận hồng thuỷ, có hai anh em đã lên được tới trời bằng một cái bè và họ đã chia tay nhau ở đó. Một người ở lại trời, một người đã trở về trần gian. Để có thể giữ liên lạc, người anh đã đưa cho em các quẻ tre. Sử dụng các quẻ tre đó, họ có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào: khi người em cần việc gì ở dưới trần gian, chỉ cần hỏi, cầu xin, sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của người anh từ trên trời. Nền văn minh (civilization) của con người được bắt đầu từ đây, họ biết đến lửa, các loại cây trồng, trong đó quan trọng hơn hết là lúa, chính là thực phẩm cơ bản nhất. Từ đó đến nay, con người vẫn sử dụng các quẻ tre để liên lạc với những đại diện của thế giới siêu nhiên.

Theo quan niệm của người Bru, trong quá trình làm lễ, tất cả mọi việc đều phải làm nương theo nhu cầu và mong muốn của các thần: họ phải biết rõ là các yĩang đã xuống chưa, các thần linh có thích các mâm lễ vật không, các động vật hiến tế có đủ hay không, sau khi nhận lễ rồi người ốm có thực sự được bình phục không, các thần linh đã ăn lễ vật chưa, họ đã no chưa và sẽ quay về với trời hay họ còn muốn thêm điều gì nữa hay không, sau khi kết thúc lễ nghi, trật tự vũ trụ có được ổn định không… Như vậy buổi lễ có thầy cúng là những chuỗi sự kiện liên tiếp với những thuật tiên tri vô cùng hấp dẫn, đôi lúc nhiệm màu như phép thuật.

Đơn giản nhất là cách bói “sấp ngửa” và “bói gạo” (sêang rakáu). Trong quá trình làm lễ, thầy cúng sẽ lấy một nhúm gạo từ bát sứ, đặt lên vành mâm (cũng có thể là lên chiếc quạt hoặc vào lòng bàn tay của người trợ tế hay một người tham dự buổi lễ…) và đếm các hạt gạo. Nếu kết quả là chẵn, câu trả lời là tốt, nếu lẻ, câu trả lời là xấu. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi họ nhận được câu trả lời như mong muốn.

Phương pháp thường được áp dụng thứ hai là bói trứng gà (sêang tarễl ntruôi). Yêu cầu của phương pháp này, cũng giống một số cách khác cũng sẽ được trình bày dưới đây, là giữ cân bằng cho các đồ vật một cách phi thường: thầy sẽ phải cân bằng sao cho quả trứng đứng thẳng trên mâm hoặc trên một mặt phẳng bất kì mà không sử dụng đến vật dụng hỗ trợ nào, cũng không làm theo cách đặt trứng thẳng đứng của Colombus (làm dập một đầu quả trứng). Nếu quả trứng đứng được, tức là thần linh đã đồng thuận, ủng hộ. Theo tín ngưỡng địa phương, quả trứng và thanh kiếm đều do các thần linh giữ cân bằng và qua đây, các thần cho chúng ta biết ý kiến của các thần.

Trong thể loại tiên tri thường gặp thứ ba, thầy cúng kết hợp cả hai vật: trứng và gạo (sêang rakáu tâng tarễl ntruôi). Cách này dành sự chú tâm đặc biệt đến điểm mọc mầm của hạt gạo mà người Bru gọi là “mắt” gạo. Trong quá trình làm lễ, thầy cúng sẽ lấy một nhúm gạo từ bát sứ đựng đồ cúng (kliêi) và rắc lên quả trứng. Thầy sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi có hạt gạo đọng lại trên quả trứng. Ông sẽ kiểm tra xem “mắt” của hạt gạo quay về hướng nào. Nếu nó quay về hướng của thầy, tức là “nhìn” về phía của thầy, câu trả lời sẽ là tốt; còn nếu nó xoay ngang hoặc nằm ở phía bên kia của quả trứng, mọi người trong nhà sẽ không lấy làm hân hoan! Thầy sẽ thử đi thử lại cho đến khi nhận được câu trả lời như ý.

Thuật tiên tri được thực hiện với thanh kiếm của thầy cúng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các nghi lễ của người Bru. Yêu cầu của phương pháp này là giữ cân bằng cho thanh kiếm trong trạng thái đứng thẳng hoặc nằm ngang và đôi lúc nó được buộc thêm một số đồ vật đặc biệt lên đó. Quy trình thường gặp nhất của bói kiếm (sêang dau) được trình bày như sau: nhiệm vụ của thầy cúng là phải cắm lưỡi kiếm vào bát kliêi rồi giữ cân bằng cho thanh kiếm. Kì lạ thay, thanh kiếm sẽ tự đứng thẳng trong vòng một vài giây, việc này đồng nghĩa với việc thần linh đã đáp lời - một câu trả lời tốt lành, như ý. Xin khẳng định một điều, thầy cúng không sử dụng đồ vật gì để chống đỡ thanh kiếm, kể cả quả trứng ở trong kliêi. Thanh kiếm chỉ có thể tựa vào lớp gạo cao chừng 10cm được đổ đầy trong bát sứ, tuy nhiên chiều cao này chưa đến 1/10 chiều dài của thanh kiếm. Như đã được nói, dân bản tâm niệm rằng các vị thần đã giữ thanh kiếm đứng thẳng. Nếu một ai đó muốn đưa ra một lí giải duy lí trí, thì lời giải nằm trong tỉ lệ phân phối trọng lượng của thanh kiếm. Dù sao thì thanh kiếm đứng thẳng trên mũi kiếm vẫn là một điều kì diệu.

Trong một thuật tiên tri phức tạp hơn, bói gà (sêang ntruôi), lưỡi kiếm phải đâm qua một con gà luộc dâng cho thần hộ mệnh, thầy cúng sẽ quay ngược đầu kiếm, cắm đuôi kiếm vào kliêi. Thầy sẽ phải cố gắng cân bằng thanh kiếm thẳng đứng để có thể biết thần có thụ lễ này hay không. Thanh kiếm được cắm phần đuôi vào bát sứ sẽ dễ cân bằng hơn so thanh kiếm cắm lưỡi kiếm. Tuy nhiên, con gà với hình dạng không đồng đều trên đầu lưỡi kiếm lại khiến mất cân bằng phân phối trọng lượng, nhiệm vụ cân bằng thanh kiếm lại trở nên khó hơn, người thường khó có thể thực hiện. Tương tự như vậy, còn có một cách tiên tri còn đẹp mắt hơn được gọi là bói nồi (sêang adél), đó là khi thầy cắm thanh kiếm xuyên qua tai chiếc nồi đồng lễ vật và cố gắng cân bằng thanh kiếm và cả cái nồi trong bát sứ. Trong trường hợp, này thanh kiếm sẽ nghiêng khoảng 45 độ, như vậy càng khó cân bằng. Trong trường hợp này, thầy cũng hỏi thần hộ mệnh: “Thần có hài lòng với lễ vật không, thần có chấp nhận lễ vật không?” Nếu thanh kiếm cùng cái nồi có thể đứng yên, câu trả lời là thần đồng ý, nếu không thì họ sẽ thử tiếp cho đến lúc nào “thần chấp nhận món quà” mới thôi. Có lẽ cũng không cần phải nói: tôi chưa bao giờ thấy một buổi lễ nào không thành công... Mẫu số chung của các phương pháp tiên đoán này là việc cân bằng thanh kiếm đứng thẳng - dù có các đồ vật gắn trên nó hay không.

Trong phần tiếp theo, việc cân bằng sẽ được thực hiện theo chiều ngang, được gọi là bói kiếm với trứng gà (sêang dau kớp tarễl ntruôi). Thầy cúng sẽ đặt thanh kiếm nằm ngang lên quả trứng trong bát sứ, với ngọn nến đang cháy ở đầu lưỡi kiếm. Nên nhớ, độ dày của thanh kiếm vào khoảng 1-2mm, nên trên lí thuyết, nó có thể tạo ra mặt tựa tương đối và như vậy, việc cân bằng thực ra rất khả thi. Nhưng vì quả trứng cong lồi, nên điểm tựa giữa hai vật chỉ còn một điểm. Không chỉ vậy, thầy còn lần lượt quạt vào thanh kiếm từ đầu này đến đầu kia với cả ngọn nến đang cháy ở đầu làm cho thanh kiếm xoay vòng quanh nhiều lần mà không bị rơi xuống.

Cuối cùng tôi xin giới thiệu về thuật tiên tri hấp dẫn nhất trong tất cả, thường được thực hiện ở phần cuối của buổi lễ “gọi hồn” (arô ruviêi) là bói lợn (sêang alik). Nghi lễ này cần một con lợn, mà không phải con lợn bất kì: theo luật tục nó phải là một con lợn to. Tôi muốn nhấn mạnh vào vấn đề này, vì tuy không có quy định cụ thể về kích thước của vật hiến tế nói chung, nhưng rõ ràng tồn tại những yêu cầu nhất định. Đây là trường hợp duy nhất được biết đến mà kích thước của con vật được quy định - việc này cũng có vai trò quan trọng. Cả con lợn (được chia thành nhiều phần nhỏ và luộc chín: thủ, bốn chân, phần thân và đuôi được xếp vào một cái gùi hoặc giỏ (achoiq hoặc ayáng); đặt trên cùng là một cái bát tre (tăp) đựng cơm, một chai rượu gạo, những mảnh vải thêu hoa văn, đồ trang sức, tiền và nhiều đồ vật có giá trị khác, nói tóm lại tất cả những gì đáng thèm muốn nhất. Cái gùi này sẽ chứa tất cả những thứ có thể thu hút linh hồn đã rời khỏi cơ thể quay trở về với họ. Cuối cùng, họ đậy một cái khăn rất đẹp lên trên cùng và buộc cả cái gùi nặng 40-60 cân lên đầu lưỡi thanh kiếm. Với tiếng kèn đệm kèm theo, thầy sẽ cố gắng giữ thanh kiếm đứng thẳng. Thanh kiếm đứng thẳng đồng nghĩa với việc linh hồn đã quay trở về và người ốm sẽ hồi phục thể trạng. Cũng như các kiểu tiên tri khác, để chứng minh thanh kiếm đứng vững, thầy sẽ quạt thật nhanh vào thanh kiếm: kiếm không chỉ cân bằng mà còn đứng thẳng vững vàng, gió quạt cũng không thể làm lung lay. Ở trên, chúng ta đã đề cập đến một số phương pháp tiên đoán thường gặp trong quá trình làm lễ cúng và các lễ lên đồng. Tại đây, tôi không thể phân tích kĩ các hình thức làm lễ của văn hóa Bru mà chỉ có thể khẳng định rằng họ có rất nhiều hình thức tiên tri sử dụng trong các nghi lễ khác nhau: ví dụ dùng máu của động vật hiến sinh, đập một quả trứng sống, dùng mỏ hoặc chân của con gà hiến sinh, trong trường hợp động vật lớn hơn (lợn, dê, trâu) có thể là gan hoặc mật của động vật hiến sinh.

Những tài liệu của tôi cho thấy, trong các nghi lễ, việc họ thực hiện một chuỗi các thuật tiên tri thể hiện rằng: việc thực hiện một thuật đối với họ là không đủ. Hay nói một các khác, giá trị của các nghi lễ, lễ lên đồng cũng bị hoài nghi bởi bản chất hoài nghi của mối quan hệ giữa họ và thế giới siêu nhiên. Vì vậy, nếu không muốn các lễ nghi trở nên vô nghĩa, nếu muốn chúng trở thành những nghi lễ có giá trị và không thể chất vấn, họ cần phải có những “bằng chứng” cụ thể. Những thuật tiên tri chính là để phục vụ cho việc này. Tuy nhiên, người Bru hoài nghi với cả những thuật tiên tri của họ. Mỗi một phần tiên tri riêng lẻ đối với họ chưa đủ để chứng minh điều gì. Cho dù, ngay cả khi câu trả lời đầu tiên là “tốt”, họ cũng cần được khẳng định lại điều này qua nhiều lần liên tiếp. Một tiên tri sẽ chỉ có thể đủ thuyết phục khi nhiều kết quả đều trùng nhau. Cũng chính vì quan kiến nghi ngờ này mà họ cần phải giữ liên lạc và đối thoại liên tục với những đại diện của thế giới bên kia: để có thể chắc chắn về câu trả lời một thế giới không thể nhận thức được bằng lí trí. Những hoài nghi, nghi ngờ chỉ có thể xoa dịu bằng kết quả của cả một chuỗi tiên tri. Một người cho tôi biết: “Chúng tôi không thể nhìn thấy các thần linh, nhưng chúng tôi biết họ có tồn tại, vì họ xuất hiện và thể hiện mong muốn của họ qua các thuật tiên tri”.

Cuốn sách Bất chấp định mệnh – Văn hóa và phong tục tập quán người Bru – Vân Kiều kể về những ấn tượng điền dã từ 30 năm về trước của nhà dân tộc học Hungary Vargyas Gábor. Mười một chương sách là mười một lối đi thú vị đưa độc giả bước vào thế giới đặc sắc của tộc người Bru – Vân Kiều. Đó là một thế giới khác, một dạng hiện hữu khác, một sắc màu khác mà chúng ta cần giữ gìn, bảo tồn trước những làn sóng mạnh mẽ của đồng nhất văn hóa.