Tình người trong "Tam không"

03-11-2017

Tống Ngọc Hân là nhà văn thuộc thế hế 7x (1976). Chị được nhắc đến với những tác phẩm thành công về đề tài miền núi. Chất văn của chị đẹp, quyến rũ, mê hoặc hệt như vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết, khỏe khoắn, rạng rỡ của các thiếu nữ dân tộc thiểu số. Không gian văn hóa của cuộc sống, thiên nhiên miền sơn cước, những vui, buồn, nghèo khổ, cay đắng,... trong Tam không cứ hiển hiện ám ảnh day dứt, mở ra những góc nhìn mới về tình người giữa thời thế nhá nhem sáng tối.

Tam không đa phần viết về cuộc sống người dân tộc miền núi phía Bắc. Tống Ngọc Hân tái hiện những khó khăn, đói khổ, chật vật, bệnh tật, những tồn tại của các hủ tục lạc hậu, những thiệt thòi của người phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân,... nơi vùng đất khắc nghiệt, khô cằn: “...đá thì sẵn còn đất hiếm lắm”qua bức tranh đời sống sinh hoạt hằng ngày gần gũi, bình dị.

Cái đói, cái nghèo xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm viết về đề tài miền núi. Chủ đề này cũng được Tống Ngọc Hân khai thác, một mặt phản ánh đúng thực trạng cuộc sống, mặt khác, thể hiện khá rõ số phận nghiệt ngã, sự tồn tại chông chênh của người dân vùng cao. Cái nghèo như là số mệnh truyền kiếp của người dân nơi đây. Đường vào bản cheo leo, gập ghềnh, phức tạp. Mọi trợ cấp, mọi tuyên truyền cũng bị từ chối bởi: “Đường vào Sài Cang là một con dốc không có tên vì xem ra chưa có cái tên nào xứng với nó, vừa cao, vừa dài, vừa hẹp, lại vừa quanh co gấp khúc, một bên núi cao, một bên vực sâu, khúc trơn trượt, lầy lội, khúc phơi đá gan trâu trơ lì, khúc loi choi đá sắc. Con chim lên Sài Cang phải bay chuyền, con ngựa lên Sài Cang phải nghỉ mấy chặng. Chân dốc là một con suối lớn, lổng chổng đá mùa khô cạn và ngầu đục gầm gào mùa mưa lũ. Đỉnh dốc là trời xanh, là mây mù, là túi gió, là chảo nắng”. ở đây, cái ăn, cái mặc thiếu thốn xoay quanh, vần vũ. Ngay cả dép rách cũng không có mà đi. Tất được thay bằng những giẻ rách bó vào chân. áo mỏng tanh, quần không có. Củi chỉ đủ sưởi chút phần trước ngực, sau lưng thì buốt nhức. Nhà cửa trống trải tứ phía: “Ba gian nhà vách nứa mái tranh chênh vênh lưng núi, bốn bề gió lộng. Nhà chả có đồ đạc gì giá trị ngoài hai cái giường tre Chỉn tự đóng và cái nồi nấu rượu bố mẹ cho khi ra ở riêng. Đứa trai lên năm thì ngồi xổm, rụt cổ, tí tí lại thè lưỡi liếm hai cái môi nứt nẻ, rỉ máu. Nó bảo người ấm rồi nhưng trong bụng vẫn lạnh. Chỉn biết là nó đói. Thường, những ngày ấm áp, tạnh ráo thì nấu cơm ăn hai bữa sáng và tối để còn đi nương. Kể từ hôm tuyết rơi trên núi, cái giá buốt tràn về bản, không đi làm được nên bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa”. Hay như đoạn văn trực tả cảnh ăn uống của những đứa trẻ giữa ngày đông giá rét đã khoe hết, bày hết mọi ngóc ngách của sự thiếu thốn: “Đứa gái lớn bảy tuổi, xúc nhoay nhoáy, thìa nào ra thìa ấy, đưa vào mồm nhanh như thể nuốt chửng. Đứa trai năm tuổi còn đái dầm nên chỉ có áo mà không có quần, nhưng lại biết xấu hổ, cứ cúi xuống, chổng mông xúc một thìa vơi lại vội vàng đứng lên ngay ngắn, rồi mới cho vào mồm. Một tay cầm thìa, tay giữ vạt áo chàm, che chỗ ấy. Đứa gái lên bốn, mũi thò lò vừa ăn vừa gà gật vì bị gọi dậy sớm quá. áo nó vấy đầy cơm canh, phần dưới từ đùi trở xuống cũng bám đầy cơm. Cũng như anh, nó chả có quần mặc, nhưng chưa biết xấu hổ, cứ hồn nhiên khoe ra mọi sản phẩm của ông tạo. Mùa đông, mưa lướt thướt cả tháng không ngừng, củi đun còn thiếu, lấy đâu củi mà sấy quần áo. Bao than cuối cùng ông Sùng không cho động vào, để sáng nay cõng lên chợ. Đứa gái ba tuổi cũng tô hô, cầm thìa lanh chanh ngồi sụp xuống, vạt áo nó sắp trùm lấy tô cơm chung. Nó xúc đi xúc lại mấy lần mới được đầy một thìa cơm nhão, ngửa cổ, há to miệng đút vào khá gọn. Thằng bé tuổi rưỡi tay cầm cán, tay điều chỉnh hướng thìa, đưa thìa cơm vơi vào miệng. Một phần ba từ chỗ cơm ít ỏi lại rơi ra đùi nó. Cũng như chị, nó ở truồng, cái chim bằng quả ớt gió tím lịm vì rét”. Đoạn văn trực tả hết sức tỉ mỉ. Dường như cái đói cái rét liên tục diễn ra từ năm này sang năm khác. Một gia đình đông con kéo theo sự khốn khó, thiếu thốn trăm thứ. Bọn trẻ con quen thuộc, không còn lạ lẫm gì. Phải chăng bản năng sống của những đứa trẻ được tôi luyện thêm bởi cái rét, cái đói thường xuyên như thế? Chúng tự bươn chải, tự đứng dậy, tự phục vụ nhu cầu thiết thực của mình. Xét cho cùng, người lớn có muốn lo cũng không lo nổi, muốn gánh cũng không gánh nổi.

Đặc tả hiện thực nghèo khó, môi trường sống khắc nghiệt, trang văn của Tống Ngọc Hân cứ chênh chao, day dứt chúng ta trước những thân phận hết sức hồn nhiên và đầy bản năng. Đối mặt với trắc trở nhưng tâm hồn của họ vẫn thánh thiện, tình người thao thiết, mãnh liệt. Ai nói, nghèo đói thì biến chất, tha hóa? Tống Ngọc Hân vẫn thấy trong đáy sâu cái tình người bàng bạc, neo đậu. Ba mươi nghìn chỉ đủ phần ăn cho hai người nạp đủ năng lượng chống chọi cái đói của bữa trưa lạnh rét buốt xương. Ông Sùng, Páo, Dâu cứ nhường nhịn, đùn đẩy nhau mãi. Bát phở cứ trút qua trút lại (Đợi mùa nắng ấm). Theo phong tục tập quán của người Mông, may vá, thêu thùa là căn cứ để đánh giá tài năng và vẻ đẹp của người phụ nữ. Ngoài áo dài, tạp dề, xà cạp,... dây thắt lưng thêu hoa văn tỉ mỉ, tinh xảo cũng được xem là kỉ vật trong ngày cưới. Thắt lưng này vừa làm tôn dáng đẹp vừa thể hiện sự “khéo léo, đảm đang” của cô gái. Páo cũng đã từng say mê Dâu vì những đường thêu tinh tế này. Nói như thế, việc bán đi cái thắt lưng là điều khó có thể xảy ra. Nhưng trong hoàn cảnh cái đói, cái nghèo bủa vây, con người ta phải bán đi những thứ quan trọng nhất của đời mình. Dâu bán đi để đổi lấy cái tình mẹ chồng nàng dâu, cái tình cao cả giữa người với người. Có thể nói, cái thắt lưng không chỉ là thước đo giá trị của người phụ nữ mà nó còn là vật chứng của giá trị tinh thần, giá trị văn hóa vật chất truyền thống của người Mông.

ở đời, cái đẹp, cái thật thà không bao giờ tàn lụi. Nơi người dân quê có thể thiếu ăn thiếu mặc nhưng trong trái tim họ vẫn dạt dào yêu thương, nồng hậu, đầy vị tha. Sự giản dị, chân thành, bộc trực, ngay thẳng, bao dung, giàu lòng trắc ẩn của họ làm nên nét riêng của người dân tộc miền núi trong việc đối nhân xử thế. Họ bỏ qua lỗi lầm của tên chủ thầu đã làm họ điêu đứng, khổ sở vì cái nhà văn hóa mới xây hơn một năm đã sập. Họ vẫn cứu vị giáo sư ích kỉ, cá nhân, chỉ biết lấy lợi ích cá nhân làm trọng, luôn đề cao thuyết tam không (Tam không). Họ sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm, đắng cay, tủi nhục của hơn 50 năm trước, bỏ qua sự miệt thị, coi thường của người thành phố để đổi lấy tình yêu cuối mùa ăm ắp nồng (Mắt thần). Họ quên cái đói, quên bệnh tật chỉ vì khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông Dừn mặc kệ bệnh nan y, Lang bà bỏ qua những ánh mắt soi mói, tò mò, quở trách cũng chỉ quyết tâm bảo vệ, gìn giữ, chứng minh giá trị và sức ảnh hưởng của sình ca (Sình ca). Lòng tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp này chính là mấu chốt nhân thêm tình yêu quê hương và ý thức tự nuôi dưỡng tâm hồn. Sình ca là cuộc trở về cội nguồn, nuôi dưỡng những nét đẹp trong ứng xử giữa con người với nhau.

Đói ăn đói mặc và đói chữ khiến người miền núi cứ như tơ vò không bứt ra được tư tưởng lỗi thời, lầm lạc, vì thế, cuộc sống cứ rơi vào khoảng tối bể dâu đớn đau, lầm than, tình yêu và hạnh phúc mong manh, dễ vỡ. Hay nói cách khác, đói, nghèo, bệnh tật,... cũng kéo theo sự tù đọng của ý thức. Ngoài vấn đề giữ gìn, tôn vinh những câu hát đối đáp mượt mà (Sình ca), kỉ vật ngày cưới (Đợi mùa nắng ấm),..., Tống Ngọc Hân còn bàn đến những hủ tục lạc hậu vẫn đang tồn tại và đè nén lên thân phận con người. Tình yêu đôi lứa bị ngăn cách, dở dang bởi những cái bẫy mê tín dị đoan. ở truyện Con đường chưa đi, tác giả bày tỏ thái độ phê phán trước những tập tục hết sức cực đoan. Chuyện bói toán, xem tuổi tác giữa các cặp đôi trước khi có ý định lấy nhau khiến họ rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, thậm chí hủy hoại cả cuộc đời. Đêm Dín lấy vợ là đêm Dín vĩnh viễn mất một con mắt bởi cái hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Mông: “Chẳng biết từ bao giờ, người Mông vùng này lại sinh ra cái thói kiêng kị là không cưới con dâu tuổi hổ cho con trai tuổi lợn, tuổi khỉ”. Những luật tục ấy vô tình giáng tai ương, bất hạnh cho chính con cái. Nhưng nó không đơn giản gì để bỏ đi. Có chăng chỉ chọn một con đường khác, hướng khác mà thôi. Sủi cũng thế, dù đã được báo trước nhưng vẫn bất tỉnh ngay khi thấy những cảnh tượng ghê rợn ngay trong buồng ngủ của hai vợ chồng. Tống Ngọc Hân đã nhận ra cuộc chiến giữa cái lạc hậu và cái tiến bộ là một hành trình dai dẳng, nan giải: “Cuộc chiến đấu giữa con người với tập tục mà thần linh và tổ tiên quy ước, thật không dễ dàng”.

Trong tập truyện, nhân vật trí thức miền núi xuất hiện cũng đưa đến cái nhìn đa dạng, nhiều chiều trước cuộc sống. Ông Din trong Dải vải chàm bịt mắt là một trí thức miền núi. Người miền núi “cũ kĩ” nhưng họ biết tìm đến lối sống tiến bộ, văn minh. Ông Din hiểu hậu quả của tập tục tảo hôn “là phạm pháp, là có tội với tổ tiên” nhưng trước thành trì tư tưởng quá vững chắc của người rẻo cao, những ngăn cản của ông cũng chỉ là lời nói vô nghĩa: “Dào ôi, bác nhiều chữ nên rắc rối quá. Chúng nó tự nguyện lấy nhau chứ có ép uổng gì đâu. Bản ta, bản trên, bản dưới, cũng đầy rẫy chuyện ấy. Cháu lấy cô còn được nữa là anh với em”. Em dâu phụ họa theo. “Phải đấy, thằng Vương với con Mắn cùng máu thì càng thương nhau chứ sao. Anh em trai làm thông gia với nhau thì tốt quá rồi còn gì. Đợi mẹ con cái Mắn khỏi bệnh đã, rồi hai nhà chung lợn, chung rượu vào, ăn mừng thôi”. Tuy ông Din chưa phải là nhân vật trí thức miền núi điển hình song những dằn vặt, trở trăn của ông đã phần nào chứng minh đang có sự thay đổi, chuyển biến tư tưởng, hướng về cái mới, vượt mọi rào cản của luật tục, thoát khỏi lề thói thâm căn cố đế nơi vùng đất xa xôi này.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân vừa đậm bản sắc vùng miền vừa có sự đổi mới, cách tân. Có truyện sử dụng cốt truyện đơn tuyến và có truyện sử dụng cốt truyện đa tuyến; thời gian trần thuật lệch pha với thời gian cốt truyện; tạo được những tình huống truyện gay cấn, hấp dẫn; phá vỡ kiểu thời gian truyến tính; nhiều chi tiết, sự kiện đan xen; quan hệ giữa các nhân vật phức tạp; nhiều truyện đã bứt khỏi kiểu kết thúc có hậu, kết thúc theo kiểu mở, khơi gợi tính đồng sáng tạo; đưa đến cái nhìn đa dạng hơn, phong phú hơn về đời sống cũng như khám phá những ray rứt trong thẳm sâu trái lòng của người dân vùng cao. 

Nguồn Văn nghệ số 47/2016