VĂN HÓA TỘC NGƯỜI BRU TRƯỚC THÁCH THỨC ĐỊNH MỆNH

21-02-2019

ĐINH HỒNG HẢI *

Người Bru (hay Bru – Vân  Kiều) là một tộc người có dân số ít ở Việt Nam (74.506 người, Theo Tổng điều tra dân số 2009), thuộc nhóm Katuic, ngành Môn-Khơme, ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic). Vào thập niên 80, sau cuộc chiến tranh tàn khốc ở Đông Dương kéo dài nhiều thập kỷ, người Bru là một trong những tộc người chịu nhiều tổn thất cả về nhân mạng cũng như không gian sinh tồn. Do địa bàn cư trú nằm rải rác quanh vĩ tuyến 17, bom đạn đã khiến cho đời sống của họ sau chiến tranh như trở lại thời kỳ “đồ đá”. Hoàn cảnh khó khăn tột cùng đã khiến cho những kỹ năng sinh tồn của tổ tiên đã thức dậy. Người Bru đã khôi phục sinh kế theo phương thức tự cung tự cấp, với việc phát-cốt-đốt-trỉa, săn bắt và sử dụng mọi loại trang phục có thể kiếm được, kể cả trang phục làm từ vỏ cây.

Trong bối cảnh đó, một nhà dân tộc học phương Tây đã tiến hành một nghiên cứu dài hạn tại tộc người này. Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, dường như ông đã “gặp may” khi được chứng kiến một đời sống thô sơ hiếm hoi còn sót lại của một tộc người mà như ông đã nhận xét: “Nghịch lý là một vùng đất bị ném bom tới mức ‘hoang sơ’… lại trở thành nơi ‘bảo tồn’ hay ‘tái sinh’ lối sống truyền thống của người Bru” (Vargyas G., 2018, 8). Có lẽ vì vậy mà đồng nghiệp đã gọi ông là “con khủng long cuối cùng” trong số những nhà dân tộc học điền dã nổi tiếng như Malinowki hay Condominas. Nghiên cứu của ông mô tả sâu sắc và sống động về người Bru (như một “cuốn phim tài liệu”- chữ dùng của nhà báo Ngô Vương Anh) trong cuốn sách xuất bản bằng tiếng Việt: Bất chấp định mệnh – Văn hóa và phong tục tập quán người Bru-Vân Kiều (Nxb. Dân Trí – Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2018).

Mặc dù đã xuất bản hàng trăm công trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Hung, nhưng đây là lần đầu tiên một cuốn sách của ông được xuất bản bằng tiếng Việt với sự đóng góp không nhỏ của dịch giả Giáp Thị Minh Trang. Nội dung cuốn sách đề cập đến nhiều mặt trong đời sống văn hóa của người Bru, được ông chia làm 13 chương:

Chương 1: “Bất kỳ ai đến đây cai trị, chúng tôi đều chấp nhận quyền lực của họ”

Chương 2: Gang và sải tay, gùi và công nhật

Chương 3: Gạo nữ thần lúa, liềm: Sự chuyển dịch của các “công nghệ lễ nghi”

Chương 4: Tổ tiên và rừng

Chương 5: Trên - dưới, sạch - bẩn

Chương 6: Thế giới bên kia của tộc người Bru qua nghi lễ tang ma

Chương 7: Bất chấp định mệnh

Chương 8: Cấu trúc nghi lễ shaman giáo của người Bru

Chương 9: Ranoq: Mũ của thầy cúng Bru

Chương 10: Bàn thờ thầy cúng Bru và hình vẽ một bàn thờ từ thế kỷ XIX

Chương 11: Thuật tiên tri của người Bru

Chương 12: Khúc ca dành cho thần hộ mệnh

Chương 13: Có thể bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Bru không?

Chương đầu tiên trong cuốn sách của Gabor Vargyas đề cập đến “nghệ thuật bất lệ thuộc” của người Bru (thuật ngữ được sử dụng trong cuốn sách nổi tiếng của James Scott xuất bản năm 2009: The Art of Not Being Governed: An Anarchist History of Up-land Southeast Asia). Đây là lối ứng xử mềm dẻo của người Bru đối với các tộc người cận cư trong lịch sử tộc người qua những tài liệu được ghi chép từ thế kỷ XIX cho tới thời điểm ông tiến hành nghiên cứu ở khu vực này. “Tưởng chừng họ dễ dàng chấp nhận sự cai trị từ các thế lực đến từ bên ngoài, họ luôn cố gắng tìm cách tránh mọi sự va chạm, phô trương để có thể giữ được sự tự do hơn là để có được sự độc lập (trong chính trị) và luôn cố gắng nằm ngoài sự kiểm soát của tất cả các hệ thống kiểm soát” (Vargyas G., 2018, 10). Đây chính là những nội dung trọng tâm mà James Scott đã đề cập trong cuốn sách của ông về một khu vực được gọi là “Zomia” ở Đông Nam Á, trong đó có người Bru với những đặc tính tương tự. Điều thú vị là nghiên cứu của Gabor Vargyas đã công bố 10 năm trước khi công trình của James Scott xuất bản (Xem chú thích ở chương 1).

Từ Chương 2 đến Chương 5, cuốn sách mô tả một cách vô cùng chi tiết và sống động về những sinh hoạt trong đời sống thường nhật và trong văn hóa của người Bru: Từ hệ thống đo lường đến cách tính công nhật, số lượng tiêu thụ gạo của một đầu người trong ngày là bao nhiêu… và nó liên quan như thế nào đến những nghi lễ trong đời sống nông nghiệp và thần linh của người Bru như yĩang Kaneaq (thần gắn liền với những người đã chết và tổ tiên) và yĩang Sữ (thần đất, thần của các không gian sinh sống và làm nông nghiệp của họ). Qua đó, ông đi đến nhận xét: Việc so sánh sự khác biệt và tương đồng giữa hai vị thần này cho ta thấy tính biểu tượng trong cách phân chia xã hội của người Bru, theo dòng họ hoặc theo địa lý.

Ảnh 1: Cảnh Achuaih Choah sàng thóc trên hiên nhà. Đằng trước ông là gùi đựng gạo (achoiq)

và gùi nhỏ (ayáng) đeo lưng được úp bên trên. Labũiq falu (Hướng Tân), 1989

Ảnh 2: Lúa được gặt bằng liềm đang được tác và dẫm chân lên để lấy các hạt thóc trên đất nương.

Đông Chô falu (Hướng Linh), 1989

Từ Chương 6 đến Chương 12 giới thiệu hệ thống nghi lễ của người Bru cùng những quan điểm của họ về thế giới linh hồn được thể hiện qua tang ma, cách ứng xử (với thần linh) và những phong tục của họ. Nghi lễ “kéo dài tuổi thọ” của đời người (đã được ông sử dụng làm tên gọi của cuốn sách này: Bất chấp định mệnh…) đề cập đến cách thức người Bru chống lại định mệnh (sinh-lão-bệnh-tử). Việc thực hành tôn giáo trong văn hóa Bru thông qua cấu trúc của các nghi lễ dày đặc tính biểu tượng được thể hiện một cách hết sức chi tiết qua bàn thờ của thầy cúng hay trên chiếc mũ (ranoq) khi hành lễ. Đặc trưng văn hóa Bru qua góc nhìn cấu trúc của Gabor Vargyas cũng cho chúng ta thấy những ý nghĩa biểu tượng tương tự của nhiều tộc người ở các nền văn hóa trên thế giới, trong đó có người Việt qua nghi lễ lên đồng.

Ảnh 3: Thuật tiên đoán cân bằng thanh kiếm và con lợn tế lễ. Làng Hoong (Hướng Linh), 1986

Đặc biệt, điềm báo, thuật tiên đoán, bói toán hay các nghi lễ hiến tế được Gabor Vargyas lý giải ở đây chính là cách mà người Bru giữ liên lạc với thế giới siêu nhiên để “có thể hiểu được những yêu cầu, mong muốn của các thần linh đối với họ” (Vargyas G., 2018, Tr.12). Thông qua các bài hát, những câu tụng niệm, những lời cầu khấn và hệ thống biểu tượng, ông đã cho chúng ta thấy rõ những ý nghĩa tượng trưng trong văn hóa tín ngưỡng của người Bru. Để làm việc này ông đã tập hợp một đội (team) bao gồm bốn chuyên gia quốc tế để phân tích và rút ra kết luận của mình. Qua đó, ông diễn giải một cách hết sức tinh tế về trạng thái nhập hồn (trans) của thầy cúng trong quá trình hành lễ và vai trò của trạng thái này trong các lễ cúng của người Bru.

Trên thực tế, vấn đề này cũng từng được Arnold van Gennep, Claude Levi-Strauss, Victor Turner,… tìm hiểu qua các “nghi lễ chuyển đổi” (rites of passage) hay “hiệu quả của các biểu tượng” (effectiveness of symbols) thông qua tư liệu. Nhưng Gabor Vargyas là người chứng kiến tận mắt, ghi chép kỹ lưỡng, mô tả tỉ mỉ và thực hiện những công việc đó trong một thời gian dài tại thực địa bằng hàng trăm cuốn nhật ký điền dã, hàng nghìn ảnh và hàng chục cuốn phim tư liệu. Nghiên cứu của ông dẫn dắt chúng ta theo linh hồn tổ tiên của người Bru đến một thế giới khác lạ, thế giới của người đã khuất. Nơi đó có các linh hồn cùng hàng trăm vị thần khác nhau: Từ thần hộ mệnh práh ngự trên cõi trời đến vị tổ của các thầy cúng yang Sorsĩ sánh ngang với mặt trời; từ các vị thần trong nhà đến các vị thần ngoài rừng,… Tất cả đều được diễn tả bằng ngôn ngữ biểu tượng của thầy cúng trong các nghi lễ qua trạng thái nhập hồn. Sự diễn giải tường tận của ông giúp cho chúng ta có thể hiểu cặn kẽ những trạng thái chuyển đổi của giai đoạn ngưỡng (liminality) ở các nghi lễ shaman.  

Ảnh 4: Achuaih Tuông rửa bàn thờ mới bằng nước linh thiêng. Phía dưới là bàn thờ thày cúng.

Làng Kỡp (Hướng Phùng), 1989

Trong chương cuối cùng của cuốn sách này, ông đặt ra một câu hỏi lớn: Có thể bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Bru không? Xuyên suốt nội dung chương sách, Gabor Vargyas nhấn mạnh đến vấn đề cốt lõi của “bảo tồn văn hóa phi vật thể.”  Ông cho rằng, “Nếu chúng ta muốn bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể, ta sẽ phải lưu giữ cả những người tạo ra nó và có khả năng sẽ tiếp tục phát huy nó” (Vargyas G., 2018, 413-434). Đây chính là nỗi niềm của ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác đã và đang chứng kiến “Rừng Đá-Thần Gôo” linh thiêng trong nghiên cứu nổi tiếng của Condominas (Chúng tôi ăn Rừng Đá – Thần Gôo, Nxb. Thế giới – BTDTHVN 2003) đã bị xẻ ra làm nhà, làm đường[1]. Cũng tại nơi ông đã nghiên cứu hơn 30 năm trước, nơi ở của thần rừng yang tâng nsắk hay thần hộ mệnh práh đã biến thành đập thủy điện hay những tua-bin gió phát điện trị giá nhiều triệu đô-la [2].

Cũng như nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á, người Bru đang phải vật lộn với quá trình phát triển chóng mặt để níu kéo những gì mà tổ tiên đã trao lại. Mặc dù nhiều quyết nghị đã được ban hành, ở tầm quốc tế có các Công ước của UNESCO, và ở tầm quốc gia có Nghị quyết Trung ương 5 – Khóa XIII (03-NQ/TW, ngày 16/7/1998) và Luật Di sản văn hóa (28/2001/QH10, ngày 29/6/2001), nhưng đáng tiếc là không gian văn hóa truyền thống của tộc người Bru như được mô tả trong cuốn sách của Gabor Vargyas hầu như không còn. Đáng lo ngại hơn, thách thức mang tính định mệnh này không chỉ có người Bru mà mọi tộc người khác ở Đông Nam Á, trong đó có người Việt, cũng đang phải phải đối mặt. Nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa và “du lịch hóa” đã và đang dần lấy đi phần không gian văn hóa truyền thống ít ỏi cuối cùng còn sót lại. Nếu tất cả chúng ta không chung tay gìn giữ “ngôi nhà xanh” và không gian văn hóa của chính mình, thì định mệnh coi như đã an bài./.

----------------

Chú thích:

* Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Chứng kiến điều này cùng với ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đăklăk khi đó và người viết bài này, trong một chuyến thực địa năm 2007, ông đã rơi nước mắt và nhặt một hòn đá để lưu giữ như một kỷ niệm còn sót lại của Rừng Đá – Thần Gôo.

[2] Tháng 6 năm 2018, ông đã trở lại Quảng Trị trong một chuyến khảo sát ngắn ngày.

Các ảnh trong bài viết được tác giả Gabor Vargyas cung cấp.