Cái giá của sự mặc cảm

17-12-2018

Nếu bạn thường tham gia những buổi cà phê chém gió với đám bạn nối khố, hoặc đi chơi cùng một nhóm những người chung sở thích, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một hình ảnh quen thuộc: một người lặng lẽ ngồi thu mình trong một góc, nhìn những người khác kể chuyện tiếu lâm, bàn chuyện thế giới và thỉnh thoảng mới thốt ra được một câu chẳng ăn nhập vào đâu hoặc chỉ biết cười trước những câu đùa tếu táo của bạn bè. Hãy chú ý: đó có thể là một người không-biết-mình-là-ai và không-biết-mình-phải-nói-gì.

Tôi không khẳng định bởi còn một lí do để con người nhỏ bé ấy im lặng. Vì họ không chú tâm vào cuộc nói chuyện hay đơn giản là họ không thích tham gia.

Tuy nhiên, đa phần là những người-im-lặng ấy mặc cảm bởi mình thiếu tính hài hước, thiếu thông tin, không dám phát biểu hoặc không dám thể hiện, họ sợ người khác sẽ cười mình.

Nỗi sợ ấy ám ảnh người ấy khiến họ thu mình, người khác nhìn họ thấy nhạt nhẽo, thiếu sức sống. Nhưng họ vẫn luôn khao khát được hòa nhập với thế giới sôi động ngoài kia, với câu chuyện không đầu không cuối của bạn bè. Họ không muốn bị đẩy ra ngoài những mối quan hệ với những người yêu quý. Bởi vậy mà họ vẫn lẽo đẽo theo sau những người khác dù sau khi trở về, họ lại thêm thu mình vào cái vỏ ốc tự ti của mình.

Vậy còn trong công việc thì sao?

Họ dễ dàng tuân theo chỉ thị của cấp trên, chỉ cần nhận thấy việc mình được giao nằm trong tầm khả năng thực hiện (các vị sếp rất thích điều này!) thì họ sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành. Họ cũng vô cùng chăm chỉ, mẫn cán, đi làm đều đặn, đúng giờ (điều này thì các nhân viên khác không thích lắm!). Thế nhưng, sau một năm, vẫn không có gì tiến triển, trong khi các đồng nghiệp khác đã tiến rất xa rồi.

Lí do nằm ở đâu?

Họ có ý tưởng mới, nhưng không dám đề xuất, không dám thực hiện, không dám bứt phá, lo sợ ý tưởng đó bị mọi người gạt đi, lo sợ sự thất bại và ánh mắt dè bỉu của mọi người dù trong thực tế không như vậy. Chính sự tự ti khiến họ đánh mất nhiều cơ hội tuyệt vời mà nếu nhanh nhạy và mạnh mẽ, quyết đoán, họ đã nắm bắt được. Cái họ nhận được cuối cùng chỉ là sự hối tiếc dù họ vẫn yên ổn và an toàn trong giới hạn của chính mình. Rồi họ lại tiếp tục vòng luẩn quẩn tự oán trách bản thân.

Sự mặc cảm, trong thế giới sôi động ngày nay, giữa muôn vàn cách thức giao tiếp và tương tác, đã trở thành một chứng bệnh tâm lí khó chữa lành.

Bùi Sao