7 tiểu thuyết Hungary nên đọc trước khi chết

31-07-2018

Ngày càng nhiều những tiểu thuyết Hungary được dịch sang tiếng Việt, độc giả ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước Hungary - xứ sở của văn chương, nghệ thuật, thể thao và rượu vang. Văn chương Hungary làm bao người ngạc nhiên, sửng sốt trước bề dày lịch sử cũng như tầm cỡ của nó, là minh chứng cho thấy một dân tộc nhỏ bé cũng có thể sở hữu một nền văn học lớn, đóng góp ý nghĩa cho kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Giờ cũng là lúc chúng ta nên điểm lại những tiểu thuyết đặc sắc nhất làm nên một dấu ấn Hungary chói đỏ. Để hiểu thêm về văn chương cũng như đất nước và nền văn hóa Hungary, độc giả cũng có thể tham khảo những đề xuất dưới đây - những văn phẩm Hungary được viết bởi những cây bút thiên tài mà chúng ta không nên bỏ lỡ:

7. Satantango (Tác giả: László Krasznahorkai)

Vào năm 2015, László Krasznahorkai đã được trao Giải thưởng quốc tế Man Booker (Man Booker International Prize), được đánh giá là “nhà văn có sức mạnh nội tâm và thang điệu đặc biệt, giàu ảo ảnh và trí tưởng tượng, người đã ghi lại cuộc sống hiện hữu trong những tình tiết kinh hoàng, kỳ lạ, khôi hài đến bất ngờ và nhiều khi đẹp tới xúc động”.

Kraszmahorkai sở hữu một lối viết rất đặc thù và gợi nhiều mê say, chuyên tạo tác tác phẩm của mình dưới dạng một dòng chảy ý thức có thể ngay lập tức đẩy độc giả vào bên trong tâm trí của các nhân vật nhưng có thể mau chóng đưa họ vào mê lộ của những rối rắm, khó hiểu. Chiến tranh và chiến tranh và Nỗi buồn kháng cự (The Melancholy of Resistance) là hai tác phẩm nên đọc của tác giả này nhưng có lẽ chính Satantango là tác phẩm có thể vén màn bước vào thế giới của Krasznahorkai - dễ đọc hơn cả nhưng vẫn có thể truyền tải những điểm rất riêng của phong cách văn chương độc đáo này.

6. Lữ khách và cõi trăng (Journey By Moonlight) (Tác giả: Antal Szerb)

Tác phẩm mộng mị này xoay quanh những nỗi nhớ và sự bất khả của giấc mơ tuổi thanh xuân. Antal Szerb đã tạo ra lối viết mơ màng và cao khiết trong Lữ khách và ánh trăng, đưa độc giả đến câu chuyện của một người đàn ông trong tuần trăng mật ở Ý đã đối mặt với nhiều dằn vặt đớn đau giữa một bên là những đòi hỏi, thôi thúc của tuổi trưởng thành và đời sống hôn nhân với một bên là nỗi mê đắm những khám phá bất tận mà mỗi người trong chúng ta ít nhiều đều sở hữu.

5. Những cậu con trai phố Pál (Tác giả: Ferenc Molnár)

Đây là một trong những tiểu thuyết mà người Hungary yêu thích nhất - một tác phẩm kinh điển mà ngày nay vẫn nằm trong chương trình học của học sinh tiểu học. Không có một học sinh Hungary nào bước vào tuổi trưởng thành mà không đọc qua cuốn tiểu thuyết này. Những cậu con trai phố Pál không phải tác phẩm phức tạp nhưng vô cùng thú vị. Câu chuyện xoay quanh một nhóm học sinh vô tư, nghịch ngợm, đang ở độ tuổi nhạy cảm nhất về các giá trị cuộc sống. Bối cảnh câu chuyện là những năm bước sang thế kỉ 20. Đó là câu chuyện vượt thời gian về những xúc cảm của tuổi trẻ, tình bạn, lòng dũng cảm và tinh thần đồng đội.

4. Người đàn ông vàng (The Man With The Golden Touch) (Tác giả: Mór Jókai)

Jókai là một trong những cây bút nổi danh nhất Hungary, một tiểu thuyết gia và nhà viết kịch sáng tác sung sức nhất cuối thế kỉ 19. Cuốn sách nổi bật nhất của ông Người đàn ông vàng được coi là một tác phẩm văn chương kinh điển dựa trên câu chuyện cổ nổi tiếng. Câu chuyện xoay quanh những chủ đề muôn thuở: tình yêu, hôn nhân và mâu thuẫn giữa tình yêu và hôn nhân. Nó còn được xuất bản dưới một cái tên khác, thích hợp hơn là Hai thế giới của Timár, nhưng dù với tên nào đi chăng nữa thì nó vẫn là thí dụ tuyệt vời của văn chương kinh điển Hungary.

3. Không số phận (Tác giả: Imre Kertész)

Chắc chắn Không số phận không thể nào là một trải nghiệm đọc êm ái, dễ chịu, bởi lẽ, cuốn tiểu thuyết này mô tả về những biến cố không khác gì nhiều với trải nghiệm thực của chính Kertész ở trại tập trung Auschwitz. Cuốn sách viết về Thế chiến II, Nazis và cuộc diệt chủng Holocaust chi tiết đến nghiệt ngã - những chủ đề xuất hiện ở hầu hết các văn phẩm của ông. Năm 2002, Kertész giành giải Nobel Văn học mà là nhà văn Hungary duy nhất có được thành tựu này. Vì lẽ đó thôi, ông cũng là một văn hào xứng đáng được biết tới và tìm đọc với sự nghiêm cẩn nhất định.

2. Cánh cửa (Tác giả: Magda Szabó)

Magda Szabó là nhà văn Hungary được dịch nhiều nhất. Tiểu thuyết được viết năm 1970 của Magda Szabó có tên là “Abigail” có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, đồng thời là cuốn nên đọc để có một hình dung chung nhất về thể loại hư cấu ở Hungary. Nhưng chính tác phẩm Cánh cửa (Tên nguyên bản là: Az ajtó) lại gặt hái được nhiều ngợi khen nhất - một câu chuyện buồn đến nhói lòng về nhân vật không khác gì nhiều với chính tác giả Szabó. Đó là một tiểu thuyết thâm trầm giàu suy nghiệm, nói với chúng ta rất nhiều về bản chất thực của con người.

1. Những ngọn nến cháy tàn (Tác giả: Sándor Márai)

Hai người đàn ông già cả - Konrad và Henrik, “ông tướng” - xưa kia đã từng thân thiết hơn cả ruột thịt, gặp lại nhau trong tòa lâu đài - xưa kia tráng lệ vô cùng nhưng giờ đây cũng đã hư hao - sau khi xa cách suốt 41 năm, để nghiệm suy về những biến cố đã cách ngăn họ. Cuốn tiểu thuyết viết năm 1942 của tiểu thuyết gia Sándor Márai là một câu chuyện u sầu, diễm lệ và cuốn hút về tình bạn và sự phản bội, đặt trong bối cảnh những năm tháng trước chiến tranh. Trong ánh sáng và bóng mờ chập chờn của những ngọn nến, ông tướng gợi nhắc lại quá khứ, không có lời lẽ đanh thép hay những cảm xúc sướt mướt nhưng chất chứa những nỗi thống khổ đè nén. Họ gặp nhau khi còn là những đứa trẻ, Henrik là con cháu của một gia đình quý tộc giàu có và Konrad là một người con đa sầu đa cảm của một nam tước nghèo. Nhưng đã có một sự biến xảy ra khiến cuộc đời của hai người bạn như tách ngăn thành hai nửa, từ đó những niềm nỗi cùng những chiêm nghiệm, dằn vặt và khổ đau dần thấm dẫm và làm nên bản dạng của hai người. Bi kịch tình bạn của họ không chỉ do sai lầm, yếu đuối nhất thời của con người, nó còn báo hiệu sự rạn vỡ của những giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa châu Âu thịnh trị một thời. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.

Những ngọn nến cháy tàn được viết với một bút pháp bậc thầy, đúng như tờ The Observer đã nhận xét: “Bi thương, ảm đạm, ngọt ngào và ấn tượng. Những ngọn nến cháy tàn là một bản luận văn chói lọi về tình bạn. Một sự tiếp cận văn học đầy tham vọng, một tác phẩm vô cùng minh triết...”. Còn tờ Sunday Times thì dành cho tác phẩm và tác giả những lời đánh giá cao nhất: “Với chiến thắng của cuốn tiểu thuyết hai trăm trang này, nền văn học thế kỉ 20 - mà chúng ta nghĩ đã hoàn toàn cáo chung và yên bề - đã nhận được một món quà muộn từ một bậc thầy mới, mà từ nay chúng ta có thể xếp cùng hàng với Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil và những bậc thánh xa xôi khác, như Thomas Mann và Franz Kafka. Bậc thầy ấy là Márai Sándor.”

Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết đẹp đến nao lòng này được Đông Tây tái bản và sẽ có cơ hội đến tay độc giả vào tháng 8/2018 như là một sự tri ân tới những giá trị Hungary trường tồn cùng năm tháng

Em Ngoan dịch theo theculturetrip.com