Có những cuốn sách mang đến trải nghiệm đọc thú vị nhưng không để nhiều nhiều dư ảnh, dư âm, có những cuốn sách không dễ đọc, nhưng việc chiêm nghiệm về nó mỗi lần đều mang lại những tri nhận mới. Nhưng lại có những cuốn sách là sự kết hợp toàn thiện giữa một thứ văn xuôi đơn giản, nhuần nhị, chân phương nhưng đi cùng với nó là hằng hà sa số những diễn giải tầng tầng lớp lớp. Đó là những cuốn sách được tinh tuyển. "Những ngọn nến cháy tàn" của Sándor Márai dành cho mình một chỗ đứng bền vững trong danh sách những văn phẩm đặc sắc này.
Lật mở những trang đầu tiên của Những ngọn nến cháy tàn
Những ánh lửa lập lòe cháy xuất hiện nhiều nơi trong tác phẩm - trong lò sưởi, trên những chân nến bên bức tường của tòa lâu đài cổ. Có những ngọn nến bùng cháy trong trái tim, trong cơ thể và trong tâm trí của các nhân vật. Lửa bùng nổ trong những đớn đau của chiến tranh. Đã rực cháy một thời như thế, bao thăng trầm đã đến rồi đi, nhưng tất cả rồi cũng trở thành những tro nguội, cháy tàn…
Câu chuyện diễn ra vào năm 1940. Henrik đã bước sang tuổi 75, một cựu quý tộc châu Âu, già nua và hiểu chuyện đời. Ông nhận được một thức thư từ Konrad, một người bạn yêu dấu thuở xưa nhưng đã phản bội ông và bỏ đi biệt xứ 41 năm về trước. Henrik cho gọi một chiếc xe ngựa để đón bạn mình đến ăn tối. Họ chào nhau và đi đến phòng ăn.
“Tôi yêu cầu ông hãy lắng nghe tôi,” - Henrik đã nói như thế. Và tiếp sau đó là một bản tóm lược tuyệt đẹp của cuộc đời hai người bạn, từng sự kiện, theo thứ tự hợp lí, từ thuở ấu thơ cho đến ngày định mệnh - một ngày có ý nghĩa là “bản lề” cuộc đời của hai người và cả những năm tháng dài dặc nhiều đau đớn và sân hận sau đó…
Tổn thương, chờ đợi và trả thù
Một cuốn sách kì lạ, bắt đầu là cảnh nhập nhoạng khi ánh sáng chiều tà chìm vào bóng đêm và kết thúc là hình ảnh buổi sáng hôm sau khi bóng tối tan dần, và xoáy cuộn quanh những câu hỏi dằn vặt của Henrik - những câu hỏi không thật sự tìm kiếm những câu trả lời bởi lẽ, những câu từ trở nên yếu nhược trước những sự thật lớn lao của đời sống, những lời đáp thích đáng nhất đã nằm trong chính cuộc đời của ông và của những người ông yêu thương.
Trước khi người bị “kết án” Konrad có thể trả lời, Henrik mang đến cuốn nhật kí của Krisztina - một hình ảnh giàu ý nghĩa, một trong những “trung tâm” của tác phẩm. Hai người đều cho rằng cuốn nhật kí còn vẹn nguyên dù bốn thập kỉ đã trôi qua bao chứa ít nhiều sự thật, điều mà ảnh hưởng đến ý nghĩa cuộc đời của cả hai người.
“Konrad gục đầu xuống hai bàn tay, ngồi im lặng, rồi ông nhìn cuốn vở nhỏ bìa nhung màu vàng, buộc dải băng xanh có đóng dấu triện nhẫn. Ông ngồi im không động đậy, cũng chẳng hề chớp mắt.
- Ông có muốn chúng ta cùng đọc những thông điệp của nàng?... - Ông tướng hỏi.
- Không. - Konrad trả lời.
Ông chậm rãi ném cuốn sổ nhỏ lên đống than trong lò sưởi. Đống than bắt được mồi, bắt đầu đỏ hồng lên, từ từ nuốt chửng cuốn vở, từ đám tro than vài ngọn lửa than leo lét cháy.”
Có thể là nhiều năm sau khi vợ ông qua đời, vào một buổi chiều muộn nào đó, khi Henrik bước vào căn phòng u tối của người đã quá cố, ông chợt nghe thấy những giọng nói thầm thì lẫn trong những tiếng gầm của sóng biển, những điều khiến ông hiểu ra ý nghĩa của tất thảy và cho ông sự nguôi yên. Nhưng ông vẫn chờ đợi cuộc tiếp chạm với người bạn xưa, như một thôi thúc không thể lí giải, một khao khát đã trở thành trụ cột nhân dạng của mình, để những điều cần nói vẫn phải nói ra, mặc dù những than oán, trách móc đã trở nên không còn nhiều ý nghĩa.
Những câu trả lời vô ngôn và những im lặng thét gào hùng biện
Những ngọn nến cháy tàn là một cuốn sách khiến bạn hoang mang đến tận sâu cội: những trò chơi của ánh sáng và bóng đêm, những ngôn từ và bày tỏ, những kí ức và trải nghiệm thực tại, những đối nghịch đan cài rối rắm.
Bởi vì bí ẩn của tình yêu và tình bạn là chủ đề chính của Những ngọn nến cháy tàn, Márai đã thật khéo léo khi kết thúc cuốn tiểu thuyết bằng một câu hỏi chưa được trả lời (nhưng những mảnh ghép của câu trả lời đầy đủ đã có thể được tìm thấy trong toàn bộ tác phẩm). Điều đó khiến chúng ta chộn rộn, hoang mang và hoài nghi nhưng đồng thời những tri kiến riêng bắt đầu thành hình, theo cách này hay cách khác, đó chính là điểm nhận biết của một văn phẩm bậc thiên tài. Bí nhiệm là một phần của nội dung và ý nghĩa cuộc sống đồng thời cũng là một phần của nội dung và ý nghĩa của Những ngọn nến cháy tàn.
Trong tiến trình đọc sách, chúng ta sẽ không khỏi luận suy ra hình ảnh của tác giả, một con người sống động đứng sau những trang sách. Márai là một nhà văn, một nghệ sĩ một nhà tư tưởng có nhiều góc nhìn khác biệt và thường xuyên dành sự chú tâm đặc biệt đến những tiểu tiết. Tư tưởng của ông thể hiện qua lời độc thoại của ông tướng được đào sâu và ráp nối trong nỗ lực tạo ra những mối tương liên vi tế để thấu hiểu và tìm ra ý nghĩa cuộc đời.
Đoạn cuối tác phẩm là là một phân đoạn đặc biệt, cô đọng trong những chiêm nghiệm sâu sắc và minh triết mà chỉ có thời gian mới khiến những câu từ sáng bóng và giản dị như vậy. Đó là triết lí phải trả bằng những giá đắt của cuộc đời, khiến nhiều độc giả phải ngồi lại và thừa nhận một điều rằng cuộc đời của những con người bình dị, làm những công việc thô cứng không nhất thiết là những cuộc đời không được kiểm nghiệm. Cuộc đời của Henrik là minh chứng của một cuộc đời gần như khổ hạnh sống trong nỗi cô đơn tự áp đặt, vật lộn với những mặc cảm, hối hận, ý định trả thù và nỗ lực trong tuyệt vọng để thế giới quan của mình không bị gãy vỡ.
Những ngọn nến cháy tàn là một món quà muộn mằn gửi đến văn chương thế kỉ 20, đưa Sandor Marai bước vào hàng ngũ những bậc thầy văn chương nhân loại.
Em Ngoan