Quán Cầm & nhạc xưa, nét du ca giữa phố thị Khâm Thiên

14-07-2018

Sống ở Hà Nội, có lẽ hạnh phúc nhất là được rong chơi giữa các phố thị rồi tình cờ lạc bước vào những quán cà phê, hiệu sách đã mốc meo xưa cũ, để rồi sau đó, những không gian sống động này biến thành một phần của bản thân ta, đeo đẳng ta trong suốt năm rộng tháng dài của cuộc đời.

Tôi bước vào quán Cầm vào một ngày đầu đông se sắt và có cảm giác trọn vẹn khi cất chân ra về. Nơi đây ngập tràn lời ca tiếng hát, những giai điệu nhạc xưa trầm lắng và nhiều dư vang. Chiếc dương cầm nhỏ xinh, những chiếc guitar, đĩa hát, những bức tranh cùng những cuốn sách xếp nghiêng gáy, tất cả hòa điệu trong một không gian âm nhạc yên bình thực thụ. Ở đây còn xôn xao tiếng nói tiếng cười và không thể thiếu là tiếng hát của những bạn trẻ, những người sống trọn vẹn trong thời bình nhưng mơ màng về những tình khúc viết từ khi đất nước còn chiến tranh. Thời gian như lắng đọng, cái đẹp xưa cũ được chắt chiu và trở nên sống động đến lạ kỳ.

Tôi có cơ hội được trò chuyện với cậu chủ quán rất trẻ (sinh năm 1993) và tình cờ biết rằng cậu ấy cũng là một “ca nhân”, không chỉ hát cho chính quán Cầm mà còn cùng các bạn trẻ yêu nhạc khác “du ca” tại một số nơi ở Hà Nội nữa.

“Mình thích hát và có thể hát nghêu ngao cả ngày. Hồi tầm 19 tuổi, mình có tình cờ gặp anh Hưng ở căng tin trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp vào một buổi chiều nắng đẹp lắm, dưới gốc cây si nữa chứ (cười). Anh Hưng đánh đàn và mình hát, “bén duyên” rất nhanh vì cùng thích nhạc xưa. Ai ngờ, hai anh em còn hát với nhau nhiều năm về sau, cùng tạo nên “Ta du ca” rồi hát ở các quán… Mình hát mộc mạc như bản năng, chẳng cầu kỳ gì cả đâu…”

Triết gia Albert Schweitzer đã viết rằng “Có hai cách để trốn chạy khỏi những khổ hạnh trong cuộc đời: âm nhạc và những chú mèo”. Thật tình cờ, các bạn sẽ tìm cả hai thứ đó ở đây, quán Cầm, một nơi nương náu dấu yêu giữa phố Khâm Thiên xưa cũ. Những chú mèo mắt long lanh, dớn dác giữa những giai điệu nhạc Trịnh sẽ chữa lành bất cứ trái tìm sầu muộn nào.

“Vậy điều gì khiến bạn chọn nhạc xưa?”

“Mình cảm nhận và yêu thích nhạc xưa từ những ca khúc nhạc Trịnh. Chia tay mối tình đầu và nghe nhạc Trịnh thấy rất bị cuốn hút. Bài đầu tiên đi hát cũng là bài Đêm thấy ta là thác đổ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.”

Chúng tôi cứ như vậy, trò chuyện với nhau như những người bạn đã thân quen, câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quãng giữa những tiếng nhạc dịu êm từ chiếc cát xét. Cũng có thể nói, khi ngôn ngữ của chúng tôi bất lực, thì âm nhạc cất lời.

“Nghĩ đến nhạc xưa, bạn cảm nhận tinh thần chủ đạo là gì?”

“Sự lãng mạn. Nhạc xưa dù buồn hay vui trong tiết điệu, thì vẫn lãng mạn vô cùng. Những ca từ luôn chau chuốt và diễm lệ, đó là điều tất cả mọi người phải thừa nhận.”

Quán có một ban công nhỏ xinh mời nắng đến mỗi khi chiều về. Được nói chuyện với những con người dung dị, chân thành trong không gian ấm cúng như vậy, quả thật là một trải nghiệm dễ thương đối với tôi.

Nắng chiều ban công

“Mình nghĩ âm nhạc dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể lắng nghe và tìm thấy câu chuyện cuộc đời mình trong đó, không có bất cứ khuôn khổ nào cả… Mọi so sánh nhạc sang, nhạc sến cũng đâu làm được gì? Nó cứ mang lại niềm vui, rước thêm nỗi buồn cho mình là được rồi… (cười). Mình chọn gắn bó với nhạc xưa thì mình coi đó là cái đẹp, cái đẹp giống như một đứa trẻ, hồn nhiên và chân thành.”

“Bây giờ, âm nhạc có ý nghĩa gì với cậu?”

“Âm nhạc như là hơi thở của mình vậy. Từ lúc mở quán đến giờ, chưa ngày nào thiếu lời ca tiếng hát… Mình vui, buồn theo âm nhạc, và thấy nỗi buồn cũng rất tự nhiên và rất dẹp…”

“Tại sao bạn lại mở ra không gian này vậy?”

“Quán lấy cảm hứng từ khắp mọi nơi. Nhưng quan trọng nhất, mình nhớ Đà Lạt nên làm quán này. Cặp đôi Lê Uyên Phương đã mở một quán ở Đà Lạt đặt tên là Lục Huyền Cầm, vì thế mình đặt tên quán là Cầm, như là một nỗi nhớ dành cho Đà Lạt”.

Tôi không hỏi thêm nhiều và nghĩ hãy để âm nhạc nói lên những điều ý vị nhất.

Nếu có ngày nào em quay gót 
Lui về thăm lại bến thu xa... 
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa... 
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”

Ghi chép: Em Ngoan

Ảnh mượn từ Quán Cầm

(Bài viết nằm trong loạt bài về Những góc Hà Nội)