Tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sỹ

09-06-2018

Tác phẩm nghệ thuật đích thực hình thành "từ người nghệ sỹ" bằng một cách bí hiểm, đầy tính đánh đố, thần bí. Khi tách ra khỏi anh ta thì nó sẽ có một cuộc sống tự lập, trở thành một nhân vật, một chủ thể độc lập, sống hít thở về mặt tinh thần, cũng như có một cuộc sống thực về mặt vật chất – nó là một tạo vật. Vậy nên đó chẳng phải là một hiện tượng xuất hiện một cách dửng dưng và tình cờ sinh ra, cũng tồn tại một cách dửng dưng, trong đời sống tinh thần, mà giống như mỗi tạo vật, nó cũng có những sức mạnh tích cực, tiếp tục sáng tạo. Nó sống, tác động và tham gia hình thành nên bầu không khí tinh thần vừa nói. Từ quan điểm bên trong này thì duy nhất cũng chỉ phải trả lời câu hỏi, liệu tác phẩm là tốt hay xấu. Nếu về mặt hình thức nó “xấu” hay quá yếu, thì hình thức này xấu hay quá yếu, để gây ra rung động trong tâm hồn một âm vang thuần nhất ở mọi thể loại. Cũng vậy thì trên thực tế, một bức tranh không được “vẽ tốt” khi nó là đúng về đậm nhạt (cái đậm nhạt không thể nhầm lẫn của người Pháp), hoặc nó được phân bố nóng và lạnh bằng một cách nào đó gần như là khoa học, mà trái lại, bức tranh được vẽ tốt khi về bên trong nó hoàn toàn sống. Cũng vậy, một “hình họa tốt” chỉ là cái mà ở đó chẳng còn có gì để thay đổi được nữa nếu không phá hủy cuộc sống bên trong này, không phải có sự quan tâm bất kỳ nào xem, liệu một hình vẽ có mâu thuẫn với giải phẫu học, thực vật học hay bất cứ một môn khoa học nào hay không. Ở đây, vấn đề không phải là ở chỗ liệu một hình dáng bên ngoài có bị vi phạm hay không, mà chỉ là liệu có cơ hội cho người nghệ sỹ sử dụng hình dáng này như nó tồn tại bên ngoài hay không. Cũng vậy, phải dùng màu sắc, không phải vì chúng tồn tại trong tự nhiên ở gam này hay không, mà vì chúng cần ở gam này trong bức tranh hay không. Nói ngắn gọn, nghệ sỹ không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm phải sử dụng màu sắc như chúng là thiết yếu cho các mục đích của anh ta. Và không phải vì giải phẫu học hay những thứ tương tự, cũng chẳng phải vì việc đánh đổi trên nguyên tắc những ngành khoa học này là cần thiết, mà vì sự tự do hoàn toàn không giới hạn của người nghệ sỹ trong sự lựa chọn các phương tiện của anh ta. Sự thiết yếu này là quyền tự do không giới hạn, nhưng nó ngay lập tức trở thành tội ác, nếu nó không dựa trên chính sự thiết yếu này. Về mặt nghệ thuật thì quyền đó là bình diện đạo đức bên trong đã nêu. Trong toàn bộ cuộc đời (nghĩa là cũng cả trong nghệ thuật) – thuần túy mục tiêu.

Và đặc biệt: một sự tuân thủ vô ích các quy tắc khoa học chẳng bao giờ có hại như việc đánh đổ chúng. Trong trường hợp đầu, sẽ tiếp tục sự mô phỏng (cụ thể) tự nhiên, mà vẫn có thể dùng nó cho những mục tiêu đặc biệt khác nhau. Ở trường hợp thứ hai – sẽ tiếp tục một cú lừa nghệ thuật, như là một tội lỗi, nó sẽ gây nên một chuỗi những hậu quả tồi tệ. Trường hợp thứ nhất để cho không khí đạo đức trống không. Trường hợp thứ nhì bỏ thuốc độc và truyền bệnh dịch hạch cho nó.

Hội họa là một môn nghệ thuật và xét về toàn bộ thì nghệ thuật chẳng phải là việc làm một cách vô ích những thứ mà chúng tan biến trong cõi hư vô, nó là một sức mạnh hữu ích để phục vụ sự phát triển và tế nhị hóa tâm hồn con người – chuyển động của Tam giác. Nó là ngôn ngữ chỉ nói ở dạng của chính mình, về những thứ mà đối với tâm hồn thì chúng là bữa cơm hàng ngày, mà điều này thì nó chỉ có thể nhận được ở dạng này.

Nếu như nghệ thuật mất đi nhiệm vụ này, thì kẽ hở phải để trống, bởi lẽ không có sức mạnh nào khác có thể thế chỗ nghệ thuật. Và luôn vào thời điểm, khi mà tâm hồn con người diễn biến một cuộc sống tinh thần mạnh mẽ hơn, bởi vì tâm hồn và nghệ thuật có mối quan hệ tác động tương hỗ và hoàn thiện lẫn nhau. Và vào những thời điểm mà ở đó tâm hồn bị đánh bùa mê và sao nhãng bởi các quan điểm duy vật, vô thần, và từ đó suy ra bởi những nỗ lực thuần túy thực tiễn, sẽ xuất hiện quan niệm rằng, nghệ thuật “thuần túy” được ban cho loài người không phải vì những mục tiêu đặc biệt, mà là vô ích, bởi nghệ thuật chỉ tồn tại vì nghệ thuật (l’art pour l’art). Ở đây thì sợi dây nối giữa nghệ thuật và tâm hồn bị gây mê một nửa. Nhưng rồi thì sẽ báo oán ngay, bởi lẽ nghệ sỹ và người xem (mà họ đàm thoại với nhau nhờ ngôn ngữ tâm hồn) không còn hiểu nhau nữa, và người sau quay lưng lại với người trước hoặc nhìn hắn như một tên đại bịp mà cứ phải chiêm ngưỡng kỹ xảo và sức bịa đặt hoàn toàn bề ngoài của hắn ta.

Khi đó thì trước tiên người nghệ sỹ phải thử tìm cách thay đổi tình hình bằng cách tự nhận thức trách nhiệm của mình trước nghệ thuật cũng như trước chính bản thân mình, và không được phép coi mình như là ông chủ tình hình, mà như là người hâu phục vụ cho những mục tiêu cao cả hơn, những nghĩa vụ rõ ràng, to lớn và thánh thiện. Anh ta phải tự giáo dục mình, tự đào sâu tâm hồn của mình, chăm sóc và phát triển chính tâm hồn của mình, sao cho tài năng bên ngoài của mình có cái gì đó để ăn vận chứ không như chiếc găng tay rơi ra khỏi bàn tay kể vô danh, ảo giác trống rỗng, vô ích của một bàn tay.

Người nghệ sỹ phải có cái gì đó để nói, bởi vì nhiệm vụ của anh ta không phải là sự chế ngự hình thức, mà là sự thích ứng của hình thức này vào nội dung.

Người nghệ sỹ không phải là đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa cuộc đời: anh ta không có quyền sống vô trách nhiệm, anh ta có công việc nặng nhọc phải làm, và nó thường trở thành nỗi thống khổ của anh ta. Anh ta phải biết rằng, mỗi hành vi, cảm xúc, suy nghĩ của anh ta sẽ tạo nên chất liệu tinh tế không thể đụng tới được, nhưng chắc chắn, từ đó hình thành nên các tác phẩm của anh ta, và rằng bởi vậy anh ta không tự do trong cuộc đời, mà chỉ tự do trong nghệ thuật.

Rồi từ đó tự khắc rút ra là, người nghệ sỹ có trách nhiệm lớn gấp ba lần người không phải nghệ sỹ: 1. anh ta phải hoàn trả lại tài năng mà anh ta được giao phó, 2. những hành vi, ý nghĩ, cảm xúc của anh ta, cũng như của bất cứ mọi người, phải tạo nên không khí tinh thần sao cho chúng không làm vấy bẩn hay truyền bệnh dịch hạch cho môi trường tinh thần và 3. biến những hành vi, ý nghĩ, cảm xúc của anh ta thành vật liệu cho những tác phẩm của mình để chúng lại tham gia hoạt động vào môi trường tinh thần. Anh ta không chỉ là “vua”, như Sar Peladan từng gọi, ở nghĩa rằng anh ta có quyền lợi vô biên, mà cũng còn ở nghĩa là trách nhiệm của anh ta rất lớn.

Nếu như nghệ sỹ là “nhà tu” của cái đẹp, thì cũng phải đi tìm cái đẹp ấy qua chính cái nguyên lý giá trị (đại lượng) bên trong mà chúng ta đã tìm ra ở khắp mọi nơi. “Cái đẹp” ấy chỉ có thể đo được bằng thước tỷ lệ giữa độ lớn và sự thiết yếu bên trong, cái mà cho đến nay đã cung cấp những dịch vụ hoàn toàn đúng đắn cho chúng ta.

Cái là đẹp là cái tương ứng với sự thiết yêu bên trong tâm hồn. Cái là đẹp là cái đẹp ở bên trong.

Một trong những người đi tiên phong đầu tiên, một trong những người sử dụng đầu tiên kết cấu tinh thần trong nghệ thuật của ngày hôm nay, mà từ đó sẽ nảy sinh ra nền nghệ thuật của ngày mai, Maeterlinck, từng nói: “Không gì trên trái đất này thèm muốn cái đẹp và tự làm đẹp mình dễ hơn là tâm hồn… Bởi vậy cũng có rất ít tâm hồn trên trái đất này cưỡng lại được sự chế ngự của một tâm hồn mà nó đã hiến dâng cho cái đẹp.”

Và tính chất này của tâm hồn là dầu bôi trơn, mà qua đó chuyển động chậm rãi, hầu như không thấy được, đôi khi với bên ngoài là chững lại, nhưng vẫn liên tục, không cưỡng được, lên phía trước và lên phía trên đều có thể, của Tam giác tinh thần.

- Kandinsky - Về cái tinh thần trong nghệ thuật

Tranh trừu tượng Vasily - Kandinsky