Từ khi còn bé, chúng ta đã được dạy cách chăm sóc cơ thể, như đánh răng mỗi buổi sáng, xức thuốc sát trùng vào vết thương và dùng băng cá nhân bao lấy vết thương lại để tránh nhiễm trùng. Chúng ta dành thời gian mỗi ngày để chăm sóc răng miệng hơn là chăm sóc tâm lý. Chúng ta đều biết cách giữ gìn sức khoẻ thể chất, nhưng hầu hết chúng ta lại không biết cách giữ gìn sức khoẻ tâm lý. Dường như trong chúng ta, sức khoẻ thể chất quan trọng hơn rất nhiều so với sức khoẻ tâm lý.
Chúng ta không thể tách rời sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm lý. Cơ thể chúng ta là một chỉnh thể liên kết với nhau. Những chấn thương tâm lý sẽ có ảnh hưởng nhất định lên sức khoẻ thể chất dẫn đến các bệnh về đường tiêu hoá, tim mạch…Ngược lại, các bệnh thể chất cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý không kém. Những người mắc ung thư cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cao.
Cuốn sách "Sơ cứu" cảm xúc bản Việt ngữ mới được phát hành
Những vết thương tâm lý xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng. Những vết thương như thất bại, từ chối, cô đơn (loneliness)…ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý và sẽ càng tệ hơn nếu chúng ta lờ đi chúng. Chúng làm ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách. Cô đơn lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm. Thất bại hay từ chối, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể khiến chúng ta dần mất đi lòng tự tôn (self-esteem), mất đi sự tự tin ở chính bản thân mình và dẫn đến hàng loạt hệ luỵ sau này.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta nên kéo gần khoảng cách giữa sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm lý. Sức khoẻ tâm lý cần được coi quan trọng không kém sức khoẻ thể chất. Và mỗi người trong chúng ta cần học cách sơ cứu vết thương tâm lý, sơ cứu cảm xúc để có thể áp dụng khi cần thiết. Dưới đây là 7 cách sơ cứu:
1. Chú ý đến nỗi đau cảm xúc – nhìn nhận khi nó xảy ra và giải quyết nó trước khi nó bao kín bạn.
Cơ thể chúng ta tiến hoá để cảm nhận được cơn đau thể xác và báo cho chúng ta biết có điều không ổn xảy ra để chúng ta có thể chữa trị kịp thời. Nỗi đau cảm xúc cũng giống vậy. Nếu cảm giác đau buồn, thất vọng khi bị từ chối, hay thất bại không khá hơn, điều này có nghĩa bạn đang bị thương tâm lý và bạn cần xử lý nó. Trò chuyện với người thân cận, hay đi gặp chuyên gia tâm lý là những điều bạn có thể làm để vết thương được chăm sóc tốt hơn.
2. Chuyển hướng những phản ứng bản năng khi bạn thất bại
Bản chất của vết thương tâm lý khiến chúng dễ dàng dẫn đến những vết thương khác. Thất bại thường thôi thúc bạn nghĩ về những gì bạn không thể thay đổi, những “nếu” hay “giá như”, thay vì tập trung vào những thứ mà bạn có thể thay đổi. Điều này khiến bạn khó có thể làm việc hết sức mình, dẫn đến việc bạn càng tập trung vào những khuyết điểm của mình, và vòng tròn xoay vần. Để ngăn ngừa vòng xoáy cảm xúc này thì bạn hãy cố gắng lờ đi phản ứng bản năng như cảm thấy vô dụng, vô vọng sau thất bại. Thay vào đó lập ra một danh sách những yếu tố mà bạn có thể thay đổi nếu bạn được thử một lần nữa. Ví dụ, nghĩ về sự chuẩn bị, lên kế hoạch và bạn có thể từng bước cải thiện chúng như thế nào. Những bài tập dạng này có thể làm giảm cảm xúc tuyệt vọng và cải thiện cơ hội thành công của bạn sau này.
The idea of new day – Bernd Nowack
3. Theo dõi và bảo vệ lòng tự tôn của bạn.
Khi bạn muốn hạ thấp bản thân, dành một khoảnh khắc để thương bản thân bạn hơn. Lòng tự tôn giống như một hệ miễn dịch dành cho cảm xúc, bảo vệ bạn khỏi những nỗi đau tâm lý. Vì vậy, theo dõi, bảo vệ nó và tránh hạ thấp bản thân là điều rất quan trọng, nhất là khi bạn đã đau đớn rồi. Một cách để “chữa lành” lòng tự tôn bị tổn thương là luyện tập tự trắc ẩn – thương bản thân một chút. Khi bạn muốn chỉ trích bản thân mình, hãy làm bài tập sau: tưởng tượng ra người bạn thân của bạn đang cảm thấy tồi tệ vì lý do tương tự, và bạn đang viết một email an ủi và trợ giúp. Bạn sẽ nói gì? Đó là những tin nhắn mà bạn nên nói với bản thân.
4. Khi những suy nghĩ tiêu cực chiếm lấy bạn, ngăn cản chúng bằng sự sao lãng tích cực
Khi bạn lặp lại những sự kiện đau buồn trong tâm trí mà không tìm kiếm sự thấu hiểu mới hay cố gắng giải quyết vấn đề, bạn chỉ đang suy nghĩ ủ ê mà thôi, và điều này, đặc biệt là khi nó trở thành thói quen, có thể dẫn đến những nỗi đau tâm lý sâu hơn. Cách tốt nhất để ngăn cản thói quen nghiền ngẫm không tốt này là sao lãng bản thân bạn với những bài tập đòi hỏi sự tập trung (ví dụ chơi Sudoku, tìm ô chữ, nhớ lại tên những người bạn học tiểu học với mình). Nghiên cứu chỉ ra chỉ cần hai phút sao lãng như thế này sẽ làm giảm thôi thúc muốn tập trung vào những thứ tiêu cực.
5. Tìm kiếm ý nghĩa trong những mất mát
Mất mát là một phần của cuộc sống, nhưng nó có thể để lại những vết sẹo và ngăn chúng ta bước tiếp nếu chúng ta không chữa trị vết thương cảm xúc mà nó để lại. Nếu một khoảng thời gian đã qua mà bạn vẫn gặp khó khăn để vượt qua sự mất mát, bạn cần có những suy nghĩ mới về nó. Đặc biệt, điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giảm đi nỗi đau và hồi phục là tìm thấy ý nghĩa trong mất mát đó và tạo ra mục tiêu từ nó. Điều này có thể khó, nhưng hãy nghĩ về những thứ bạn có thể đạt được từ sự mất mát này (ví dụ, “tôi mất đi bạn đời của mình, nhưng tôi ngày càng thân cận với con mình hơn”). Nghĩ về những sự biết ơn mới với cuộc sống mà bạn có thể có được, hoặc tưởng tượng ra thay đổi bạn có thể tạo ra giúp bạn có được một cuộc sống gần với những giá trị và mục đích của mình hơn.
6. Đừng để cảm giác tội lỗi nấn ná quá lâu
Cảm giác tội lỗi có thể có ích. Với lượng nhỏ, nó báo động bạn cần phải hành động để cải thiện vấn đề trong mối quan hệ của bạn với người khác. Nhưng quá nhiều cảm giác tội lỗi cũng độc hại, nó làm phí phạm cảm xúc và năng lượng của bạn, khiến bạn sao lãng và bỏ qua những thứ khác, ngăn ngừa bạn tận hưởng cuộc sống. Một trong những cách tốt nhất để giải quyết cảm giác tội lỗi là đưa ra lời xin lỗi hữu hiệu. Đúng, bạn có thể đã cố gắng xin lỗi từ trước, nhưng lời xin lỗi thường phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng. Nguyên liệu quan trọng nhất trong một lời xin lỗi hữu hiệu – mà nhiều lời xin lỗi vẫn còn thiếu – đó là một “câu nói thấu cảm”. Nói cách khác, lời xin lỗi của bạn nên ít tập trung vào giải thích lý do tại sao bạn làm vậy mà nên tập trung nhiều vào hành vi của bạn (hay lời nói) đã ảnh hưởng đến người đó ra sao. Sẽ dễ dàng tha thứ người khác hơn nếu bạn cảm thấy họ thật sự hiểu. Bằng việc xin lỗi, người đó có thể thật sự tha thứ cho bạn và giúp cảm giác tội lỗi của bạn biến mất.
7. Học những cách chữa trị vết thương cảm xúc hữu hiệu với bạn.
Chú ý đến bản thân và biết được bản thân bạn đối phó với những vết thương cảm xúc thông thường như thế nào. Ví dụ, bạn chỉ phủi nó đi? Bạn sẽ rất buồn nhưng rồi qua cũng rất nhanh? Bạn buồn và hồi phục từ từ? Dùng phân tích này để giúp bản thân biết được sơ cứu cảm xúc nào phù hợp với bạn nhất trong những tình huống khác nhau (giống như cách bạn biết được thuốc giảm đau nào hiệu quả với mình nhất). Xây dựng sức bật cảm xúc cũng giống như vậy. Thử vài phương pháp khác nhau và rìm ra cái nào dễ thực hành nhất với bạn, và cái nào hiệu quả nhất. Nhưng quan trọng nhất, hãy tạo thói quen ghi chú về sức khỏe tâm lý thường xuyên – đặc biệt là sau một sự kiện áp lực, khó khăn hay đau đớn.
Thật vậy, luyện tập vệ sinh cảm xúc có thể tốn một chút thời gian và công sức, nhưng nó thật sự làm tăng chất lượng cuộc sống của bạn.
Guy Winch
Hải Đường Tĩnh Nguyệt dịch
Nguồn: beautifulmindvn.com